(Baoquangngai.vn)- Vậy là SEA Games 32 đã chính thức khép lại sau những ngày tranh tài sôi động tại Campuchia. Đoàn thể thao Việt Nam đứng đầu kỳ đại hội này, nhưng niềm vui vẫn chưa trọn vẹn.
NHỮNG ĐIỂM NHẤN ẤN TƯỢNG
Với tổng cộng 136 huy chương vàng (HCV), 105 huy chương bạc (HCB) và 114 huy chương đồng (HCĐ), đoàn thể thao Việt Nam không những vượt chỉ tiêu về HCV (giành từ 90-120 HCV) mà còn vững vàng đứng đầu trên bảng tổng sắp huy chương sau khi kết thúc SEA Games 32.
Đoàn thể thao Việt Nam đứng đầu bảng tổng sắp huy chương SEA Games 32. ẢNH: INTERNET |
Nếu không tính 2 lần là chủ nhà SEA Games (vào năm 2003 và 2022), thì đây là lần đầu tiên thể thao Việt Nam đứng đầu đại hội. Một cột mốc đáng nhớ đối với thể thao nước nhà. Không những thế, Việt Nam còn hơn đoàn xếp nhì là Thái Lan tới 28 HCV và bỏ xa Indonesia (xếp thứ 3), cùng chủ nhà Campuchia (xếp thứ 4).
Điều đáng nói nữa là, thể thao Việt Nam dẫn đầu SEA Games 32 trong bối cảnh có rất nhiều môn thế mạnh của chúng ta bị cắt giảm hoặc nước chủ nhà không tổ chức thi đấu.
Những đội tuyển giành được nhiều HCV cho thể thao Việt Nam là lặn (14 HCV), vật (13 HCV), tiếp đó là điền kinh với 12 HCV, 20 HCB, 8 HCĐ. Bên cạnh đó, có nhiều đội tuyển hoàn thành và vượt chỉ tiêu để ra như judo (8 HCV), karatedo 6 HCV (vượt 2 HCV), wushu 6 HCV (vượt 1 HCV), kun Khmer 5 HCV (vượt 2 HCV), kun bokator 6 HCV (vượt 4 HCV), thể dục dụng cụ 4 HCV (vượt 1 HCV)… Đặc biệt, đội tuyển aerobic Việt Nam tham dự 5 nội dung đã giành trọn cả 5 HCV.
Ngoài ra, tại SEA Games lần này có nhiều môn Olympic thể thao Việt Nam lần đầu giành được HCV như bóng rổ 3x3 và golf. Trong khi đó, bóng bàn đôi nam nữ sau 26 năm chúng ta mới giành được HCV. Đặc biệt là, đội tuyển bóng đá nữ đã lập kỷ lục khi lần thứ 4 liên tiếp giành HCV SEA Games.
Về mặt cá nhân, thể thao Việt Nam cũng có những cá nhân xuất sắc. Đó là Phạm Thanh Bảo, kình ngư giành 2 HCV, phá 2 kỷ lục nội dung 100m bơi ếch và nội dung 200m ếch. Nữ vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh dù không phá kỷ lục SEA Games nhưng đã giành đến 4 HCV cá nhân, trong đó có 2 tấm HCV đầy cảm xúc khi cô gái Bắc Giang giành được chỉ trong vòng 30 phút. Ngoài ra, dù không có HCV, nhưng kinh ngư Nguyễn Thúy Hiền ở môn bơi mới 13 tuổi hay Nhi Yến 18 tuổi lần đầu tham dự SEA Games nhưng đã giành những tấm huy chương quý giá...
NHỮNG NỐT TRẦM
Dù đoàn thể thao Việt Nam đứng đầu SEA Games 2023, song xét trên nhiều khía cạnh, thì vẫn còn đó những vấn đề cần được phân tích, mổ xẻ kỹ lưỡng. Điều rõ nhất là, hai môn “đinh” của đại hội là bơi và điền kinh đã không hoàn thành chỉ tiêu đề ra tại SEA Games 32.
Điền kinh giành 12 HCV, thấp hơn chỉ tiêu 2 HCV, đồng thời ít hơn đến 10 HCV so với SEA Games cách đây chỉ 1 năm. Qua đó, đội tuyển điền kinh Việt Nam đã mất ngôi đầu về tay của Thái Lan sau 2 kỳ SEA Games liên tiếp đứng ở vị trí số 1. Ở môn bơi, dù vẫn đứng nhì sau Singapore, nhưng các kình ngư chỉ đạt 7 HCV, 3 HCB, 7 HCĐ (thấp hơn chỉ tiêu 1 HCV). Ở các nội dung sở trường như 50m ếch, 200m ngửa nam, 200m bướm nam, 4x100m tự do nam, các kình ngư của chúng ta đã thất bại trước các tay bơi của Singapore, Thái Lan, Malaysia.
Đội tuyển U22 Việt Nam để thua U22 Indonesia ở bán kết và chỉ giành huy chương đồng. ẢNH: Zing news |
Nhìn rộng ra, các môn thể thao Olympic mà đoàn thể thao Việt Nam giành HCV chỉ ở tầm 40% so với tổng số HCV giành được, thấp hơn nhiều so với kỳ SEA Games 31 khi chúng ta là chủ nhà.
Ở môn bóng đá nam, sau 2 kỳ giành HCV liên tiếp, đội U22 Việt Nam đã để thua U22 Indonesia ở bán kết và chỉ giành tấm HCĐ.
Nguyên nhân một phần do các nước có sự đầu tư rất lớn, cũng như tiến bộ rất nhanh và cả chính sách nhập tịch vận động viên. Trong khi đó, một số môn, một số nội dung chúng ta có dấu hiệu chững lại và thiếu sự kế thừa xứng đáng. Đây là những điều mà thể thao Việt Nam cần rút ra bài học để không bị tụt lại phía sau.
THANH NHƯ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: