Điểm sáng trong giảm thiểu tảo hôn

08:21, 19/09/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nên tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Minh Long đã giảm đáng kể. 

Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một trong hai bên hoặc cả hai chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, tức là nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi.

Hiệu quả thấy rõ

Nhiều năm qua, xóm Gò Tranh trên thuộc thôn Gò Tranh, xã Long Sơn (Minh Long) không xảy ra tình trạng tảo hôn, không có tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Anh Đinh Văn Cu, ở xóm Gò Tranh trên cho biết, cán bộ thôn, xã thường xuyên tuyên truyền, giải thích rằng lấy vợ, lấy chồng sớm không chỉ vi phạm quy định pháp luật, mà còn khiến cuộc sống ngày càng khốn khó hơn. Vậy nên, người dân ở đây luôn nhắc nhở, động viên và giáo dục con cháu chịu khó học hành, chí thú làm ăn. Có một số trường hợp con trẻ chưa đủ 18 tuổi nhưng có quan hệ tình cảm, gia đình kiên quyết không tổ chức đám cưới, mà phân tích để các cháu hiểu.

Trưởng phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Minh Long) Lê Vũ Lương tuyên truyền cho thanh niên kiến thức về phòng, chống tảo hôn.
Trưởng phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Minh Long) Lê Vũ Lương tuyên truyền cho thanh niên kiến thức về phòng, chống tảo hôn.

Tại thôn Trung Thượng, xã Long Mai, nhiều năm qua cũng không xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Chị Đinh Thị Thả, ở thôn Trung Thượng cho biết, từ khi tham gia Câu lạc bộ Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tôi hiểu thêm về những tác hại của tình trạng này. Vậy nên, tôi thường xuyên nhắc nhở con cháu, người thân trong gia đình, hàng xóm láng giềng không nên dựng vợ gả chồng sớm cho con, nhất là với những trường hợp trẻ chưa đủ tuổi vị thành viên. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn trẻ em gái, chị em trong thôn cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai an toàn... góp phần phòng, chống tảo hôn và bạo lực gia đình.

Thực hiện tiểu dự án 2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, thuộc Dự án 9 trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2030, giai đoạn I từ 2021- 2025, từ năm 2022 đến nay, huyện Minh Long đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều nội dung. Trọng tâm là tuyên truyền, tư vấn, can thiệp chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình; tổ chức các hoạt động ký cam kết thi đua không vi phạm tảo hôn và kết hôn cận huyết thống giữa các hộ gia đình tại các thôn, khu dân cư, đưa nội dung này vào quy ước, hương ước của thôn, xóm... Qua đó, góp phần giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các địa phương trên địa bàn huyện.

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Minh Long, tình trạng tảo hôn giảm đáng kể, từ 23 vụ vào năm 2016 giảm còn 9 vụ vào năm 2020 và không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra tình trạng tảo hôn, trở thành điểm sáng của tỉnh về giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Trưởng phòng Dân tộc huyện Minh Long Đinh Thị Súc cho biết, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra những hệ lụy rất lớn cho gia đình và xã hội, làm giảm chất lượng dân số, ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ của trẻ em. Vì vậy, từ năm 2015, huyện đã tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025” theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, huyện chỉ đạo các đơn vị địa phương, cơ quan chuyên môn thành lập các câu lạc bộ “Thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình”, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cung cấp thông tin về nạn tảo hôn và những hệ lụy về hôn nhân cận huyết thống đến người dân. Bên cạnh đó, huyện xử lý nghiêm các cán bộ, đảng viên vi phạm, thiếu gương mẫu trong việc phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng nguy cơ xảy ra tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn hiện hữu, nhất là ở những thôn, xóm vùng sâu, vùng xa. Nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một trong những nguyên nhân gây ra đói nghèo, thất học, suy giảm chất lượng cuộc sống. Hầu hết trẻ em sinh ra từ các cặp vợ chồng tảo hôn đều gặp các vấn đề về suy dinh dưỡng cả hai thể thấp còi và nhẹ cân, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực về sau.

Nhiều năm liền, thôn Gò Tranh, xã Long Sơn (Minh Long) không xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Nhiều năm liền, thôn Gò Tranh, xã Long Sơn (Minh Long) không xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Trưởng phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Minh Long) Lê Vũ Lương cho biết, bên cạnh những tập tục, quan niệm sai lệch về tình yêu, hôn nhân và gia đình thì hiện nay, vấn nạn tảo hôn còn bị ảnh hưởng từ mạng xã hội, cộng với sự quản lý lỏng lẻo của phụ huynh. Nhiều gia đình có cả bố và mẹ đều đi làm ăn xa, để con ở nhà với ông bà hoặc gửi cho người thân nuôi dưỡng nên không thể nắm bắt, đồng hành với con trẻ trong giai đoạn dậy thì, thay đổi tâm sinh lý. Các em trong độ tuổi vị thành niên, học sinh tại các trường THCS, THPT và các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn huyện là chủ thể chính của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Do đó, cùng với tư vấn về sức khỏe sinh sản, phổ biến những hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Phòng Dân số chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền qua ngày hội gia đình kết nối yêu thương, hội thi tìm hiểu pháp luật về hôn nhân và gia đình, về hệ hụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...  

“Những kiến thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được truyền tải qua hình thức sân khấu hóa trở nên gần gũi, nhẹ nhàng, giúp các em dễ nhớ và dễ tiếp thu hơn. Không những vậy, các tình huống giả định về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống giúp học sinh có kỹ năng ứng phó và phản đối lại các hủ tục, những tập quán còn lạc hậu tại gia đình và cộng đồng”, ông Lương chia sẻ.

Trẻ em ở thôn Trung Thượng, xã Long Mai (Minh Long) được tuyên truyền 
kiến thức về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Trẻ em ở thôn Trung Thượng, xã Long Mai (Minh Long) được tuyên truyền kiến thức về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể và địa phương trên địa bàn huyện duy trì, nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình, câu lạc bộ như: “Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; “Cha mẹ đồng hành cùng con cái nói không với tảo hôn”; “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số”; “Tổ phụ nữ không có con tảo hôn”; “Thanh thiếu niên nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”... Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nguồn nhân lực có trình độ,  nhất là con em của đồng bào các dân tộc thiểu số - hạt nhân để tuyên truyền, vận động gia đình, dòng họ, từng bước đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. 

Bài, ảnh: MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 08:21, 19/09/2024

Ý kiến bạn đọc


.