Trân quý từng phút giây 

06:22, 02/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những bệnh nhân suy thận mãn tính hằng ngày vẫn gắng gượng, trân quý từng phút giây được sống. Với họ, ngày nào còn sống bên người thân là niềm hạnh phúc lớn lao.

Bệnh viện là nhà

Sau khi bác sĩ Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh kiểm tra các bước, anh Nguyễn Tấn Thanh, ở xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) được lọc máu. Anh Thanh chia sẻ, tôi mong 3 tiếng rưỡi chạy thận trôi qua thật nhanh để về với gia đình. Hai năm nay tôi xem bệnh viện là nhà, gắn bó với hành trình chạy thận để duy trì sự sống. Căn bệnh suy thận đã khiến cuộc sống của anh Thanh bị đảo lộn. Trước đây, anh là trụ cột chính lo kinh tế gia đình. Giờ đây, vợ phải thay anh cáng đáng mọi việc. Chị làm công nhân ở KCN VSIP Quảng Ngãi, nỗ lực làm việc kiếm tiền lo cho anh chữa trị bệnh dài ngày. “Cha tôi cũng mắc bệnh thận mới mất cách đây không lâu, giờ đến tôi. Con nhỏ, nhà khó khăn, nhiều lúc tôi có ý định bỏ cuộc, nhưng có vợ, con ở bên động viên, tôi có thêm động lực để chiến đấu với bệnh tật”, anh Thanh trải lòng. 

Nằm kế bên giường bệnh anh Thanh là chị Y Xi, ở xã Sơn Liên (Sơn Tây). Bệnh tật hành hạ khiến cô gái 26 tuổi trở nên tiều tụy, sức khỏe suy kiệt. Là hộ nghèo, vợ chồng Xi hằng ngày phải làm keo thuê để có thu nhập lo cho 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Từ ngày bị bệnh, Xi không còn khả năng lao động, cuộc sống càng thêm khó khăn, thiếu thốn. Anh Đinh Văn Biết (chồng của Xi) lặn lội chở vợ vượt hơn 80km để Xi được chạy thận, duy trì sự sống. Có những hôm đi xe buýt, cả hai không đủ tiền, phải nhờ lòng hảo tâm của những người đi đường. Nằm trên giường bệnh, với thân hình gầy yếu vì thiếu máu, Xi là một trong những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nhất đang điều trị tại Khoa Thận nhân tạo. “Giờ em không chỉ lo chi phí đi lại điều trị mà không có tiền phẫu thuật tay để thực hiện đưa ống kim tiêm vô tĩnh mạch lọc máu. Nhiều lúc em nghĩ quẩn nhưng thương chồng con nên em phải cố gắng. Em mong được sống để trở về với 3 đứa con nhỏ đang chờ mỗi ngày”, Xi bộc bạch.

Bệnh nhân Nguyễn Tấn Cường, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) có hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhưng em vẫn  lạc quan trên giường bệnh.                                                                                              Ảnh: Kim ngân
Bệnh nhân Nguyễn Tấn Cường, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) có hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhưng em vẫn  lạc quan trên giường bệnh.                                                                                              Ảnh: Kim ngân

Hoàn cảnh của em Nguyễn Tấn Cường (24 tuổi), ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) cũng đáng thương không kém. Mẹ bỏ đi từ lúc Cường  vừa chào đời. Hiện Cường ở với bà nội đã hơn 80 tuổi. Từ khi mắc bệnh suy thận đến nay, sức khỏe Cường rất yếu, không thể đi làm. Chi phí đi lại, ăn uống và chi trả thêm thuốc ngoài danh mục BHYT để chạy thận, Cường phải nhờ vào sự giúp đỡ của các cô, bác họ hàng trong gia đình. “Sắp tới đây không biết em lấy đâu ra tiền để trả các khoản phí chữa bệnh?”, Cường nói trong nước mắt.

Trên đây chỉ là một số trường hợp trong hàng trăm bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang chạy thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh. Căn bệnh suy thận mãn tính lấy đi của họ sức khỏe, tiền bạc và niềm vui trong cuộc sống. Để duy trì sự sống, các bệnh nhân phải thường xuyên chạy thận nhân tạo hằng tuần. Người ít thì 2 lần/tuần, nhiều thì 3, 4 lần/tuần. Cuộc sống quẩn quanh nơi bệnh viện và quay cuồng trong nỗi lo chi phí khám, chữa bệnh ngày thêm chồng chất.

Khoa thận nhân tạo, BVĐK tỉnh hiện có 234 bệnh nhân đang điều trị. Trong đó, có 220 bệnh nhân chạy thận thường xuyên. Mỗi ngày, khoa chạy thận 3 ca, với 130 bệnh nhân. Hiện tại, khoa có 43 máy chạy thận, cơ bản đáp ứng nhu cầu chạy thận cho người bệnh. Ngoài BVĐK tỉnh, các cơ sở y tế trong tỉnh đủ điều kiện chạy thận cho người bệnh gồm có: BVĐK Khu vực Đặng Thùy Trâm (TX. Đức Phổ), Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa và Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức.

Sẻ chia yêu thương

Trong hành trình chạy thận để duy trì sự sống, nhiều bệnh nhân không đơn độc. Bên cạnh họ là người thân luôn ở bên đồng hành, sẻ chia giúp họ vượt qua bệnh tật. 

Bệnh nhân Hồ Thị Khương, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) được con trai chăm sóc trong những ngày chạy thận.
Ảnh: Kim Ngân
Bệnh nhân Hồ Thị Khương, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) được con trai chăm sóc trong những ngày chạy thận. Ảnh: Kim Ngân

Ông Nguyễn Bá Lâm, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) loay hoay đẩy xe lăn lại gần cửa phòng bệnh để chờ đón vợ đang chạy thận. Ông Lâm bảo, vợ tôi chẳng may gãy chân do tai nạn giao thông, sau đó lại mắc bệnh suy thận. Bảy năm nay tôi đã đồng hành cùng vợ thường xuyên ở bệnh viện để chạy thận. “Nhiều lần vợ tôi buồn rầu, bi quan, chán nản. Tôi luôn động viên, dành thời gian chăm sóc nên cô ấy đã vượt qua những ngày khó khăn chống chọi với bệnh tật”, ông Lâm tâm sự.

Ông Phùng Thanh Việt, ở xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) nói về hoàn cảnh của mình mà không kìm được xúc động. Đưa đón vợ đi chạy thận 6 năm nay, tôi đành nghỉ nghề đi biển dài ngày để lo cho vợ. Để trang trải chi phí lo cho vợ, tôi phải đi làm thêm cho các chủ cơ sở hải sản, ai kêu gì làm nấy. Dù kinh tế gia đình rất khó khăn, nhưng tôi vẫn luôn cố gắng mỗi ngày để vợ được duy trì chạy thận lâu dài. 

Còn ông Phạm Văn Nhị, ở tổ 2, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) nhiều năm nay khánh kiệt tài sản vì lo cho con trai chạy thận. Con trai của ông chưa đến 30 tuổi, nhưng mắc bệnh suy thận đã 10 năm nay. Ông Nhị kể, để duy trì sự sống cho con, tôi bán đất và các tài sản trong gia đình để đưa con ra Huế điều trị và tìm nguồn thận để ghép. “Dù phải bán hết gia sản, tôi cũng phải lo cho con,  mong con sống được là tôi hạnh phúc rồi. Vợ chồng tôi sẽ luôn đồng hành, cùng con vượt qua nỗi đau”, ông Nhị bộc bạch.

Cần lắm những tấm lòng  

Đối với bệnh nhân suy thận mãn tính, chạy thận nhân tạo là cách duy nhất để duy trì sự sống. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Minh Hiền - Trưởng Khoa Thận nhân tạo, BVĐK tỉnh, cho biết, mắc bệnh này thì đến người giàu cũng trở thành người nghèo, bởi chi phí điều trị rất tốn kém, thời gian điều trị đến hết cuộc đời. Có không ít hoàn cảnh bệnh nhân chạy thận nhân tạo rất đáng thương, không có người thân chăm lo. Người bệnh không thể làm ra tiền nhưng hằng tuần phải tốn một khoản chi phí khá lớn cho thuốc men, ăn uống dinh dưỡng. Nhiều người bệnh, mỗi tháng họ phải tốn nhiều chi phí mua thuốc và các khoản chi phí điều trị khác ngoài danh mục thanh toán của BHYT. “Chúng tôi rất mong sẽ nhận được nhiều hơn sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm để những bệnh nhân nghèo yên tâm chạy thận, duy trì cuộc sống”, bác sĩ Hiền bày tỏ.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng, ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) luôn được chồng động viên và ở bên cạnh trong suốt 3 năm chạy thận.Ảnh: Kim Ngân
Bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng, ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) luôn được chồng động viên và ở bên cạnh trong suốt 3 năm chạy thận.Ảnh: Kim Ngân

Theo bác sĩ Hiền, với người bệnh suy thận mãn tính có 3 phương pháp điều trị, chạy thận nhân tạo, lọc máu qua màng bụng và ghép thận. Nếu được ghép thận thì cuộc sống của bệnh nhân được cải thiện rất nhiều vì không phải lệ thuộc vào máy móc. Tuy nhiên, nguồn thận hiến tặng rất hiếm.

kỹ thuật viên Khoa thận nhân tạo, BVĐK tỉnh Lê Thị Hoàng Kiều chia sẻ, nhiều năm đồng hành cùng người bệnh chạy thận, chúng tôi chỉ biết chia sẻ nỗi đau với bệnh nhân bằng cách tận tình phục vụ, động viên, tiếp sức cho họ. Có lúc chúng tôi phải trích từ khoản lương ít ỏi hỗ trợ bệnh nhân miền núi khó khăn để họ có tiền ăn uống, đi lại.


                                                                                        
KIM NGÂN

 


Ý kiến bạn đọc


.