Cây rau hẹ chữa bệnh gì?

09:39, 07/11/2023
.
Cây rau hẹ được sử dụng làm rau ăn gia vị. Các bộ phận như lá, thân, hạt đều được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh.

1. Tác dụng của cây rau hẹ

Cây rau hẹ còn có tên gọi khác là cửu thái, nén tàu, hom xe lép (Thái), phắc kép (Tày). Tên khoa học của cây hẹ là Allium odorum L., thuộc họ hành Liliaceae.

Cây rau hẹ là cây thảo có thân hành, nhóm thành túm, hình nón gần như dạng trụ. Thân mọc đứng hình trụ hoặc có góc ở ngọn, mang lá ở gốc, cao 15-30cm. Lá hẹp, dài, dày, phiến lá dài 10-25cm, rộng 1,5-8mm, đầu nhọn.

Cụm hoa dạng tán, mọc trên một gọng dài từ gốc lên. Hoa màu trắng, bầu gần hình cầu, vòi nhị ngắn. Quả nang hình trái xoan ngược, chia ra 3 mảnh. Hạt nhỏ màu đen. Cây trồng lấy lá làm rau ăn gia vị. Hoa cũng ăn được. Lá, thân và hạt đều dùng làm thuốc.

- Thành phần hóa học và dinh dưỡng: Rau hẹ có chứa protid, glucid và kcalo...

- Tính vị: Cây hẹ có vị cay, hơi chua, tính ấm. Hạt có vị ngọt, tính ấm.

- Quy kinh: Cây hẹ quy kinh tâm, yên ngũ tạng. Hạt hẹ (cửu thái tử) quy kinh can, thận.

- Tác dụng: Cây hẹ có tác dụng thông khí ở phổi, hạ khí đầy ở bụng, điều hòa tạng phủ, khỏi đau bụng do lạnh. Nấu ăn thì bổ ích thận khí, mạnh dương, khỏi tiết tinh và ấm khỏe lưng gối. Luộc xào với giấm, muối, ăn vào sáng sớm, lúc đói khỏi chứng ợ hơi.

Hạt hẹ (cửu thái tử): Có tác dụng chữa di mộng tinh, són đái, bạch đới, tinh yếu do hư lao.

Toàn cây rau hẹ có thể được sử dụng làm rau ăn và thuốc hỗ trợ trị bệnh.
Toàn cây rau hẹ có thể được sử dụng làm rau ăn và thuốc hỗ trợ trị bệnh.

2. Món ăn, bài thuốc có chứa hẹ

- Chữa viêm họng: Lá hẹ 1 nắm, rửa sạch, cắt nhỏ. Đường phèn lượng vừa đủ, giã nhỏ, trộn với lá hẹ và đem hấp cách thủy cho đến khi lá hẹ chín nhừ rồi ăn cả cái lẫn nước. Thực hiện 2 lần/ngày, trong khoảng 3-4 ngày giúp cải thiện triệu chứng nóng rát, giảm ho.

- Trị cơn suyễn nguy cấp: Lá hẹ 1 nắm, khoảng 100g, rửa sạch, thêm một chút nước, đun chín trong 5 phút rồi chắt lấy khoảng 100ml nước hẹ. Uống ngay nước hẹ này có thể hạ cơn hen.

- Chữa bệnh phụ nữ (Phụ nữ đến kỳ kinh mà không hành kinh, khí nghịch, đưa máu ngược lên sinh thổ huyết, hoặc bị thương ứ máu, đái ra máu, chảy máu cam): Toàn cây hẹ 100g, đồng tiện (nước tiểu của trẻ em, thường là của bé trai dưới 12 tuổi, khỏe mạnh) vừa đủ. Giã nhuyễn toàn cây hẹ, vắt lấy nước cốt, hòa đồng tiện uống.

- Sau đẻ lên cơn co giật, nôn ra nước xanh: Lá hẹ 1 nắm, nước cốt gừng. Giã nhuyễn lá hẹ, vắt lấy nước cốt, hòa nước cốt gừng uống.

- Chữa bụng dưới đau nhói hoặc ngộ độc thức ăn: Lá hẹ lượng tùy dùng, giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt uống (nên uống nhiều).

- Trị tinh yếu do hư lao: Cửu thái tử (hạt hẹ) 16g, phúc bồn tử 24g, xà sàng tử 6g, thỏ ty tử 24g, phá cố tử 6g, kim anh tử 16g, thạch liên tử 16g, câu kỷ tử 24g, ngũ vị tử 6g, dâm dương hoắc 24g, hoài sơn 48g, thục địa 48g. Sắc uống 01 thang/ngày, chia 03 lần. Liệu trình 15 ngày, nghỉ 03 ngày, uống tiếp 02 liệu trình nữa.

- Chữa bệnh cường trung, ngọc hành cứng trơ, mà tinh tự chảy ra: Hạt hẹ 6g, phá cố chỉ 6g. Sắc uống.

- Tẩy giun kim: Rễ hẹ tùy dùng, sắc uống.

- Chữa bạch đới ở phụ nữ và viêm tiền liệt tuyến ở nam giới: Hạt hẹ (cửu thái tử) lượng tùy dùng, sắc uống.

3. Lưu ý khi dùng cây rau hẹ

Các cách sử dụng cây rau hẹ làm thuốc chỉ có tính chất hỗ trợ, không có hiệu quả ngay lập tức nên người bệnh cần duy trì chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Cây rau hẹ kỵ với mật ong và thịt trâu nên không nên sử dụng kết hợp hai nguyên liệu này.

Một số trường hợp như người bị nóng trong, mụn nhọt trong người, người mắc bệnh đường tiêu hóa… không nên dùng cây rau hẹ do có thể làm trầm trọng hơn triệu chứng bệnh.

Theo SKĐS

 

Xuất bản lúc: 09:39, 07/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.