Công trình từ Trường Đại học Alabama ở Brimingham (UAB - Mỹ) đã giải quyết mối hoài nghi lâu đời liên quan đến món thịt trong khẩu phần của bệnh nhân tiểu đường.
Theo Medical Xpress, trong thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng tại nhiều địa điểm, 106 tình nguyện viên đã được chia thành 2 nhóm.
Một nhóm thực hiện chế độ ăn giàu protein, trong đó có 4 khẩu phần thịt đỏ, mỗi phần từ 113-170 g thịt bò nạc. Nhóm còn lại ăn protein ở mức bình thường, không có thịt đỏ.
Ăn vài phần thịt đỏ mỗi tuần sẽ không phá hoại việc bạn điều trị bệnh tiểu đường miễn là nấu bằng thịt tươi thay vì loại công nghiệp và tổng lượng calo vẫn được giới hạn - Ảnh minh họa từ Internet |
Nhóm ăn nhiều protein nhận được 40% năng lượng hàng ngày thông qua protein, bên cạnh 32% carbohydrate và 28% chất béo. Nhóm ăn protein bình thường nhận được năng lượng thông qua protein - carbohydrate - chất béo với tỉ lệ lần lượt là 21%, 53% và 16%.
Tất cả tác tình nguyện viên đều là bệnh nhân tiểu đường type 2 và đang tuân thủ chế độ ăn kiêng giới hạn số calo hàng ngày, cũng như bổ sung nhiều thực phẩm lành mạnh khác và tập thể dục theo hướng dẫn.
Kết quả cho thấy cả nhóm ăn nhiều lẫn ăn protein ở mức bình thường đều có thể kiểm soát bệnh tiểu đường tốt như nhau sau 52 tuần, miễn là họ duy trì được việc giới hạn số calo và chọn thực phẩm tươi thay vì thức ăn công nghiệp được chế biến với nhiều phụ gia.
Theo GS James O.Hill, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Béo phì và dinh dưỡng UAB, tác giả chính của nghiên cứu, kết quả này cho thấy một cá nhân hoàn toàn có thể linh hoạt trong phạm vi nhất định để chọn mô hình ăn kiêng phù hợp với sở thích của mình trong nỗ lực kiểm soát bệnh tiểu đường type 2.
Điều này cũng loại bỏ mối lo phổ biến nhưng chưa có căn cứ rõ ràng rằng việc ăn một chút thịt đỏ hay ăn nhiều thịt sẽ làm tồi tệ thêm căn bệnh.
Theo ANH THƯ/NLĐO