Ăn nhiều thịt nguội có gây ung thư không?

08:49, 10/09/2023
.

Do ưu điểm tiện lợi và mùi vị hấp dẫn, các món thịt nguội ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, lạm dụng thịt nguội cũng có thể gây nhiều bất lợi cho sức khỏe và nhiều người băn khoăn không biết ăn nhiều thịt nguội có thể gây ung thư không?


Cách xử lý thịt nguội 

Đa số món bánh sandwich hay bánh mì kẹp thịt tại các cửa hàng bán đồ ăn nhanh hay khắp các siêu thị, cửa hàng tiện ích đều sử dụng thịt nguội.

Về cơ bản, thịt nguội là các món là thịt chế biến chín sẵn hoặc đã qua xử lý, giăm bông, thịt thường được thái lát… Ưu điểm của thịt nguội là rất tiện lợi, khi ăn chỉ cần lấy trong tủ lạnh ra là có thể ăn được. 

Thịt nguội tiện lợi nhưng ăn nhiều không tốt cho sức khỏe.
Thịt nguội tiện lợi nhưng ăn nhiều không tốt cho sức khỏe.

Thịt nguội đã được làm chín có thể ăn trực tiếp, ăn kèm salad hoặc kẹp bánh mì, hamburger… mà không cần chế biến. Thịt nguội còn sống thì chỉ cần nấu hoặc nướng rất nhanh bởi vì gia vị đã đầy đủ.

Thịt nguội có tốt cho sức khỏe không?

Vì sự tiện lợi và hương vị đặc trưng hấp dẫn nhiều người nên các món thịt nguội đang ngày trở nên phổ biến. Tuy nhiên, nếu lạm dụng ăn quá nhiều thịt nguội sẽ có nhiều tác động bất lợi cho sức khỏe.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thịt chế biến bao gồm giăm bông, xúc xích, thịt nguội… là thịt đã được biến đổi thông qua muối, xử lý, lên men, hun khói hoặc các quá trình khác để tăng hương vị hoặc cải thiện khả năng bảo quản.

Ăn nhiều thịt chế biến sẵn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư và đái tháo đường. Điều này liên quan đến nhiều yếu tố, nhưng thủ phạm chính là hàm lượng natri cao. Trung bình, natri trong thịt chế biến sẵn cao hơn khoảng 400% so với thịt chưa qua chế biến. Nạp quá nhiều natri khiến mạch máu bị xơ cứng và gây căng thẳng cho tim và thận.

Một số loại thịt nguội cũng chứa nhiều chất béo bão hòa, loại chất béo "xấu" liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Ăn nhiều thịt nguội có gây ung thư không?

Natri nitrat là các hợp chất muối xuất hiện tự nhiên trong đất và có trong nhiều loại trái cây và rau quả. Khi nitrat tiếp xúc với nước bọt trong miệng, chúng sẽ chuyển hóa thành nitrit.

Natri nitrat được thêm vào thịt nguội để bảo quản và ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Nitrat được chuyển thành nitrit khi tiếp xúc với vi khuẩn trong thịt. Hầu hết các nhà sản xuất hiện nay đều trực tiếp thêm nitrit vào thịt.

Nhiều loại thịt chế biến có hàm lượng nitrat cao. Mặc dù những nitrat này rất hữu ích trong việc bảo quản và cải thiện màu sắc của thực phẩm nhưng chúng không tốt cho sức khỏe.

Bản thân nitrat và nitrit không gây ung thư nhưng có lo ngại rằng chúng có thể tạo ra các hợp chất gây ung thư trong cơ thể hoặc trong quá trình chế biến hoặc nấu nướng.

Trung bình, thịt nguội đã qua xử lý có tới 500mcg nitrat trên 100g thịt. Thịt giăm bông thường chứa nhiều nitrat nhất. Một khẩu phần 100g thịt giăm bông đã qua xử lý có tới 900mcg nitrit. Đây là nguồn gốc tạo nên màu hồng đặc trưng của món giăm bông đã qua xử lý.

Thịt xông khói có tới 380mcg nitrit trên 100g trọng lượng. Một chiếc xúc xích trung bình chứa khoảng 50mcg nitrit trên 100g thịt, chứa khoảng 9mg nitrat.

Từ năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) của Tổ chức Y tế Thế giới đã thông báo rằng thịt chế biến sẵn có thể gây ung thư. Cơ quan này cũng đã đưa ra một báo cáo về các loại thịt chế biến sẵn có thể gây ung thư đại trực tràng, trong đó có thịt nguội.

Theo WHO, thịt nguội là một loại thịt chế biến không chỉ gây ung thư do cách chế biến mà còn có liên quan đến bệnh lý tăng huyết áp và các bệnh tim mạch khác vì hàm lượng natri rất cao. Ngoài ra, khi thịt được nấu ở nhiệt độ cao sẽ hình thành các chất có thể gây ung thư.

Nên thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, hạn chế thịt chế biến sẵn.
Nên thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, hạn chế thịt chế biến sẵn.

Mặc dù có bằng chứng thuyết phục rằng ăn nhiều thịt nguội có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đái tháo đường và ung thư, nhưng điều này không có nghĩa là bạn phải loại bỏ chúng hoàn toàn khỏi chế độ ăn uống của mình. Cách tốt nhất là chúng ta nên duy trì một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm trái cây, rau củ quả và các loại thịt, cá; hạn chế các loại thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, ưu tiên các thực phẩm lành mạnh có nguồn gốc từ thực vật…

Theo SKĐS

 

Xuất bản lúc: 08:49, 10/09/2023

Ý kiến bạn đọc


.