Bệnh tắc tá tràng bẩm sinh ở trẻ

09:10, 12/11/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bệnh viện Sản - Nhi (BVSN) tỉnh đã phẫu thuật thành công cho nhiều trẻ sơ sinh bị tắc tá tràng bẩm sinh. Đây là bệnh lý hiếm gặp, cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời để trẻ không gặp phải các biến chứng nguy hiểm.

Đầu tháng 9/2024, BVSN tỉnh tiếp nhận trẻ sơ sinh mới 3 giờ tuổi được chuyển từ Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng trong tình trạng sức khỏe yếu, sinh non ở tuần thứ 35, cân nặng chỉ 1,1kg. Kết quả siêu âm và khám lâm sàng cho thấy, trẻ bị tắc tá tràng bẩm sinh, nhiễm trùng huyết, suy dinh dưỡng, vàng da sơ sinh.

Để cứu bệnh nhi, các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa và chỉ định chuyển phòng mổ cấp cứu điều trị tắc tá tràng cho trẻ. Các bác sĩ thuộc các chuyên khoa ngoại, nhi sơ sinh, phẫu thuật gây mê hồi sức đã tham gia phẫu thuật cho bệnh nhi bằng phương pháp mổ hở để tìm vị trí tắc và khâu nối tá tràng.

Các bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh phẫu thuật cho trẻ sinh non ở huyện Trà Bồng bị tắc tá tràng bẩm sinh.	    Ảnh: T.Y
Các bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh phẫu thuật cho trẻ sinh non ở huyện Trà Bồng bị tắc tá tràng bẩm sinh. Ảnh: T.Y

Theo bác sĩ chuyên khoa I Phạm Xuân Duy - Trưởng khoa Ngoại (BVSN tỉnh), tuy đây là ca mổ khó, vì bệnh nhi quá nhẹ cân, lại bị nhiễm trùng huyết. Song, với sự phối hợp nhịp nhàng và nỗ lực của cả ê kíp, ca mổ đã thành công.

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhi tiếp tục được chuyển về Khoa Nhi Sơ sinh để được chăm sóc. Để đề phòng và phát hiện sớm các biến chứng sau mổ, các bác sĩ Khoa Ngoại và Khoa Nhi sơ sinh đã phối hợp chăm sóc, theo dõi vết mổ hằng ngày cho bệnh nhi. “Lúc phẫu thuật, bệnh nhi này mới sinh được vài giờ, thể trạng còn yếu, lại trải qua một cuộc phẫu thuật phức tạp. Do đó, công tác chăm sóc sau phẫu thuật cho trẻ đặc biệt quan trọng, để vừa đảm bảo cho trẻ đủ dinh dưỡng, vừa chống nhiễm khuẩn sơ sinh, nhiễm khuẩn vết mổ. Hiện tại, bệnh nhi đã khỏe mạnh hoàn toàn”, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Diệu, Khoa Nhi sơ sinh (BVSN tỉnh), cho biết. 

Những năm gần đây, BVSN tỉnh đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 10 trẻ sơ sinh bị bệnh tắc tá tràng bẩm sinh. Đây là bệnh lý hiếm gặp, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ. “Phương pháp can thiệp dứt điểm để điều chỉnh dị tật tắc tá tràng bẩm sinh ở trẻ là phẫu thuật. Việc phẫu thuật phải được thực hiện càng sớm càng tốt. Bởi tình trạng tắc tá tràng bẩm sinh nếu không được phát hiện và điều trị sớm, sẽ dẫn đến nguy cơ trẻ bị tắc ruột, hoại tử ruột, nguy cơ tử vong cao”, bác sĩ chuyên khoa I Phạm Xuân Duy khuyến cáo.

Đến hiện tại, khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng gây tắc tá tràng ở trẻ sơ sinh. Khi trẻ bị tắc tá tràng bẩm sinh, thường có biểu hiện nôn sớm khoảng 4 giờ sau sinh và bỏ bú, trướng bụng, không đi phân su... Vì vậy, cha mẹ cần cảnh giác với các biểu hiện của bệnh lý này và thông báo ngay cho bác sĩ để được điều trị kịp thời.

Bệnh tắc tá tràng bẩm sinh còn có thể được chẩn đoán sớm nhờ siêu âm trước sinh ở tuần thứ 18 - 20 của thai kỳ. Vì vậy, các thai phụ cần chủ động thăm khám thai ở cơ sở y tế uy tín thực hiện các siêu âm chẩn đoán trước sinh. Khi được chẩn đoán bệnh, các bác sĩ sẽ hướng dẫn sản phụ sinh con ở cơ sở y tế có chuyên khoa sản, nhi, phẫu thuật nhi và chuẩn bị tâm lý để phẫu thuật sớm cho trẻ ngay sau khi chào đời.       

Ý THU - K.NY

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:10, 12/11/2024

Ý kiến bạn đọc


.