Điều trị thành công nhiều ca chấn thương cột sống

15:49, 15/10/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bị vỡ đốt sống và chèn ép tủy sống dẫn đến tê liệt hoàn toàn 2 chân, song nhiều bệnh nhân đã phục hồi nhanh chóng sau khi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh.

Đã có thể tự đi lại sau khi bị chấn thương cột sống nặng dẫn đến tê liệt hoàn toàn 2 chân cách đây hơn 1 tháng, anh K (26 tuổi), ở huyện Sơn Hà nói trong niềm xúc động, nếu không được các bác sĩ BVĐK tỉnh phẫu thuật kịp thời, có lẽ tôi sẽ ngồi xe lăn suốt quãng đời còn lại.

Bị đa chấn thương trong khi làm việc, bệnh nhân K nhập viện cấp cứu tại BVĐK tỉnh trong tình trạng đa chấn thương, đau nhiều ở vùng cột sống, bí tiểu, mất cảm giác từ vùng bẹn trở xuống và tê liệt hoàn toàn 2 chân. Để cứu bệnh nhân K, các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh (BVĐK tỉnh) đã phẫu thuật cấp cứu giải ép tủy sống, vá màng tủy và làm cứng, cố định cột sống bằng bộ nẹp vít cấu hình dài. Đây đều là các kỹ thuật hiện đại trong phẫu thuật và điều trị chấn thương cột sống. 

Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Bảo Ngọc kiểm tra khả năng hồi phục vận động sau phẫu thuật của một bệnh nhân bị chấn thương cột sống nặng.                                                   Ảnh: Y.H
Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Bảo Ngọc kiểm tra khả năng hồi phục vận động sau phẫu thuật của một bệnh nhân bị chấn thương cột sống nặng. Ảnh: Y.H

Áp dụng các kỹ thuật này trong phẫu thuật, các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh (BVĐK tỉnh) cũng vừa điều trị thành công cho một bệnh nhân bị chấn thương cột sống nặng, ở huyện Sơn Tây.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Đặng Bảo Ngọc - Phó Trưởng khoa Ngoại thần kinh, thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị chấn thương cột sống. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên chấn thương cột sống, nhiều nhất là các nguyên nhân do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, gây vỡ, lún, xẹp đốt sống. Các chấn thương cột sống nặng thường gây hậu quả khá nặng nề: Gây mất vững cột sống và thương tổn rễ thần kinh, tủy sống; dẫn đến liệt toàn thân, liệt nửa người, liệt 2 chi dưới, mất khả năng vận động, rối loạn vận động... Khả năng phục hồi tổn thương khi bị chấn thương cột sống phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế tổn thương, thời gian phẫu thuật và mức độ giải phóng chèn ép tủy sống. Vì vậy, bệnh nhân được phẫu thuật càng sớm thì khả năng phục hồi càng cao.

"Khi đưa người bị chấn thương cột sống đi cấp cứu, cần lưu ý, phải để bệnh nhân nằm yên hoàn toàn. Phải dùng nẹp cột sống chuyên dụng hoặc vật liệu có sẵn như túi cát, vật nặng, khăn vải cuộn chặt để cố định 2 bên cột sống cổ, lưng. Phải đặt bệnh nhân nằm trên tấm ván cứng hoặc các vật dụng tương tự. Không đặt bệnh nhân nằm sấp khi nghi ngờ có chấn thương cột sống cổ và tuyệt đối không xốc, vác, cõng nạn nhân", thạc sĩ, bác sĩ Đặng Bảo Ngọc lưu ý. 

Đ.YÊN - N.HẰNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 15:49, 15/10/2024

Ý kiến bạn đọc


.