Nhiều người nghĩ uống trà dễ mất ngủ nhưng thực tế có một số loại trà giúp mang lại giấc ngủ ngon hơn. Tham khảo một số loại trà có ích cho giấc ngủ.
Trà thảo mộc là lựa chọn phổ biến cho giấc ngủ vì nó có ít hoặc không có caffeine trái với một số loại trà như trà đen có hàm lượng caffeine gần bằng cà phê. Dưới đây là danh sách các loại trà tốt cho giấc ngủ và có một số lợi ích sức khỏe khác.
1. Trà hoa cúc giúp thư giãn và ngủ ngon
Hoa cúc La Mã đã được sử dụng làm thuốc trong hàng ngàn năm, tốt cho đường tiêu hóa và chứng mất ngủ.
Mặc dù nghiên cứu về chủ đề này còn hạn chế nhưng việc uống trà hoa cúc đã được chứng minh là cải thiện chất lượng giấc ngủ. Tác dụng làm dịu của hoa cúc là nhờ một loại flavonoid có tên là apigenin. Hợp chất này liên kết với các thụ thể benzodiazepine của não có thể giúp giảm lo lắng và gây ngủ.
Nghiên cứu cho thấy phụ nữ sau sinh uống trà hoa cúc báo cáo giảm các triệu chứng trầm cảm cũng như cải thiện chất lượng giấc ngủ. Kết quả tương tự cũng được tìm thấy ở người lớn tuổi, những người báo cáo chất lượng giấc ngủ tốt hơn nhóm đối chứng không uống trà hoa cúc.
2. Trà hoa oải hương
Mặc dù thường được sử dụng trong liệu pháp hương thơm, hoa oải hương cũng có thể được sử dụng để pha trà thư giãn giúp bạn có được giấc ngủ ngon.
Các đặc tính gây ngủ của hoa oải hương bao gồm tương tác với chất dẫn truyền thần kinh GABA (acid gamma-aminobutyric) để giúp làm dịu não và giúp dễ ngủ hơn. Nó cũng hoạt động như một chất chống lo âu, hoặc như một chất làm giảm lo âu và thuốc an thần nhẹ.
3. Trà rễ cây nữ lang
Giống như hoa cúc, rễ cây nữ lang cũng có lịch sử lâu đời về mặt y học, tốt cho tình trạng căng thẳng và lo âu. Rễ cây nữ lang có thể giúp ngủ nhanh hơn và tăng chất lượng giấc ngủ. Được làm từ thảo mộc cây nữ lang khô, trà cây nữ lang có hương vị và mùi rất đặc trưng dễ gây khó chịu cho một số người. Thêm một ít mật ong, sữa hạnh nhân hoặc xi-rô cây phong giúp cải thiện hương vị.
Rễ cây nữ lang thường được kết hợp với các loại thảo mộc khác có tác dụng làm dịu, chẳng hạn như hoa bia. Khi dùng như một chất bổ sung hoặc uống như một loại trà, cây nữ lang làm tăng mức GABA trong não để giảm lo lắng và tăng cường cảm giác bình tĩnh, thư giãn.
Rễ cây nữ lang giúp dễ ngủ nhờ hai chất an thần tự nhiên có trong thảo mộc, được gọi là valepotriates và sesquiterpenes. Tuy nhiên, điều quan trọng là không nên dùng trà rễ cây nữ lang với một số loại thuốc hoặc chất bổ sung, chẳng hạn như benzodiazepine như Xanax hoặc barbiturat như morphine vì chúng có thể gây ra tác dụng phụ khi dùng cùng nhau.
4. Trà xanh
Uống trà xanh cả ngày thay vì uống vào ban đêm có thể giúp giảm mệt mỏi và tăng chất lượng giấc ngủ. Điều này là do một hợp chất trong trà xanh có tên là theanine, giúp não thư giãn bằng cách giảm các hormone liên quan đến căng thẳng và sự kích thích nơ-ron. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng nó có hàm lượng caffeine thấp - một số loại trà xanh pha trộn, chẳng hạn như matcha có hàm lượng caffeine cao và có thể khiến tỉnh táo nếu uống quá muộn.
Lợi ích của trà xanh đối với não không chỉ tốt cho sức khỏe tinh thần mà còn tuyệt vời cho sức khỏe giấc ngủ. Ngoài ra, polyphenol - hợp chất thúc đẩy tiêu hóa và sức khỏe não bộ - trong trà xanh cũng có tác dụng hỗ trợ giảm viêm và căng thẳng oxy hóa trong cơ thể cũng như giúp thúc đẩy giảm cân.
5. Trà hoa lạc tiên giúp giảm chứng mất ngủ
Trà hoa lạc tiên có tác dụng tương tự như trà hoa cúc đối với cơ thể. Giống như hoa cúc, hoa lạc tiên góp phần giúp giảm lo âu trong não nhờ flavonoid liên kết với thụ thể benzodiazepine của não.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi kết hợp với các loại thảo dược bổ sung khác như cây nữ lang, hoa lạc tiên cũng có hiệu quả trong việc giảm chứng mất ngủ ngắn hạn như các loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ truyền thống. Tuy nhiên, nghiên cứu này sử dụng viên nang thay vì trà - trà ít cô đặc hơn viên nang nhưng vẫn có tác dụng tích cực đến giấc ngủ.
6. Trà vỏ cây mộc lan
Vỏ cây mộc lan đã được sử dụng như một chất hỗ trợ giấc ngủ trong hàng ngàn năm. Hợp chất chính của nó là honokiol liên kết với các thụ thể GABA trong não giúp chìm vào giấc ngủ nhanh hơn.
Tương tự như trà rễ cây nữ lang, trà vỏ cây mộc lan có thể có vị khó chịu với một số người. Tuy nhiên, trà có thể được làm ngọt bằng mật ong hoặc xi-rô cây phong nếu không thích hương vị này.
Một số người cho biết vỏ cây mộc lan có tác dụng giúp người dùng tỉnh táo hơn vào ban đêm, tuy nhiên, thời gian để quay lại giấc ngủ lại giảm đáng kể.
7. Trà bạc hà chanh (tía tô đất)
Lá tía tô đất thực chất là một thành viên của họ bạc hà. Tía tô đất là loại thảo mộc nguồn gốc từ miền nam châu Âu, tại Việt Nam cây phổ biến với tên gọi bạc hà chanh. Lá tía tô đất thường được dùng dưới dạng trà và tinh dầu, thường được dùng như một chất kháng khuẩn để điều trị nhiễm trùng cũng như điều trị các vấn đề về giấc ngủ.
Uống trà tía tô đất vào buổi tối hỗ trợ giảm các triệu chứng mất ngủ, lo âu, trầm cảm hoặc bồn chồn.
8. Trà gừng
Gừng rất tốt để điều trị buồn nôn và đau họng. Đây cũng là thực phẩm chống viêm và giàu chất chống oxy hóa. Trà gừng là một loại đồ uống tự nhiên không chứa caffeine, vì vậy sẽ không ảnh hưởng đến giấc ngủ.
9. Trà sả
Ngoài việc được sử dụng để thúc đẩy nghỉ ngơi lành mạnh, sả còn có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn. Nó cũng có thể thúc đẩy tiêu hóa khỏe mạnh và mức cholesterol lành mạnh.
10. Trà bạc hà
Trà bạc hà không chứa caffeine, có thể giúp thư giãn để có một giấc ngủ ngon. Trà bạc hà cũng tuyệt vời để làm dịu cơn đau dạ dày và giúp làm giảm dị ứng và xoang bị tắc nghẽn. Tinh dầu bạc hà còn giúp hơi thở thơm mát.
Mặc dù có nhiều loại trà giúp thúc đẩy giấc ngủ nhưng trà có thể hiệu quả nhất với người này lại không hiệu quả với người khác. Ngoài ra, chỉ uống trà không đảm bảo cho một đêm ngủ ngon vì vậy cần duy trì vệ sinh giấc ngủ hợp lý và lịch trình ngủ nhất quán để thực sự nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ tách trà buổi tối.
Theo SKĐS