Làm chủ kỹ thuật cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn

10:42, 16/07/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ cuối năm 2023 đến nay, nhờ làm chủ kỹ thuật cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn điều trị các rối loạn nhịp chậm, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã trở thành địa chỉ tin cậy của các bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim. 

Thoát khỏi nguy kịch nhờ máy tạo nhịp tim

Bước sang tuổi 76, bà V.T.T, ở xã Bình Châu (Bình Sơn), thường xuyên bị choáng, té ngã. Do tuổi cao, bản thân lại đang bị rối loạn tiền đình, khiến bà T nhầm tưởng, những triệu chứng này là do tuổi tác cùng bệnh rối loạn tiền đình gây ra. Vì vậy, bà T chủ quan, không đi bệnh viện thăm khám. Đến ngày 16/6/2024, khi bà T đột ngột khó thở, ngất xỉu và được gia đình đưa đi cấp cứu tại BVĐK tỉnh, bà T mới biết mình mắc phải bệnh rối loạn nhịp tim.

Tại bệnh viện, có thời điểm, kết quả điện tâm đồ cho thấy, tim của bà T chỉ đập 42 lần/phút, có lúc lại lên đến 128 lần/phút. Trong khi đó, nhịp tim của người bình thường dao động ở mức 60 - 100 lần/phút. Trước những triệu chứng nghi ngờ rối loạn nhịp tim, bệnh nhân T tiếp tục được các bác sĩ BVĐK tỉnh thăm khám, theo dõi và chỉ định thực hiện các xét nghiệm tiếp theo. Từ đó, các bác sĩ đã hội chẩn, chẩn đoán tim bệnh nhân T bị rối loạn nhịp chậm. Bệnh nhân được chỉ định đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Vương kiểm tra sức khỏe cho bà T trước khi xuất viện. 				                         Ảnh: L.GIANG
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Vương kiểm tra sức khỏe cho bà T trước khi xuất viện. Ảnh: L.GIANG

"Bệnh nhân bị rối loạn tiền đình, từng bị viêm da dẫn đến sốc nhiễm trùng phải hồi sức tích cực và vừa mổ thủy tinh thể cách đây 2 tháng. Với thể trạng người bệnh khá yếu cùng tiền sử rất nhiều bệnh nền, ê kíp xác định việc tiến hành can thiệp, cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn cho bệnh nhân sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu không tiến hành can thiệp, thì tình trạng tim bị rối loạn nhịp chậm sẽ ngày càng phức tạp, khiến người bệnh có nguy cơ đột tử bất cứ lúc nào", thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Vương - Khoa Tim mạch can thiệp - Lão khoa (BVĐK tỉnh), cho biết.

Là ca phẫu thuật tương đối khó, nhưng nhờ làm chủ kỹ thuật cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn, sau gần 2 giờ, các bác sĩ của Khoa Tim mạch can thiệp - Lão khoa đã đặt thành công máy tạo nhịp vĩnh viễn cho bệnh nhân T. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân T dần ổn định. Chỉ vài ngày sau đó, bệnh nhân T đã có thể tự đi lại, sinh hoạt bình thường, không còn tình trạng choáng, ngất như trước.

"Lúc trước, tôi đi đứng phải có người nhà dìu. Nhiều lúc đang nằm nghỉ ngơi, vẫn xỉu đột ngột. Còn giờ, sau gần 1 tháng cấy máy tạo nhịp, tôi khỏe hẳn. Càng vui hơn nữa là, nằm viện cả tháng trời, tổng chi phí mua máy tạo nhịp và điều trị hơn 60 triệu đồng, nhưng BHYT thanh toán hơn 54 triệu đồng, vợ chồng tôi chỉ thanh toán đúng 6 triệu đồng", bà T chia sẻ.

Vì sức khỏe người bệnh

Cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn để điều trị các rối loạn nhịp chậm của tim là một trong các kỹ thuật khó trong y khoa, được triển khai tại BVĐK tỉnh từ tháng 12/2023.

Để triển khai hiệu quả kỹ thuật này, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ được BVĐK tỉnh đặc biệt chú trọng. Bệnh viện đã cử các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Tim mạch can thiệp - Lão khoa đi đào tạo tại Bệnh viện Trung ương Huế. Đồng thời, chủ động phối hợp với các bệnh viện tuyến trên, để các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tim mạch của nhiều bệnh viện lớn như Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Tim Hà Nội tham gia cùng bác sĩ BVĐK tỉnh thực hiện một số ca cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn cho bệnh nhân tại bệnh viện. Qua đó, giúp các bác sĩ BVĐK tỉnh học hỏi, nâng cao tay nghề và dần làm chủ được kỹ thuật khó này.

Đến nay, sau nửa năm triển khai kỹ thuật, ê kíp bác sĩ, điều dưỡng của BVĐK tỉnh đã làm chủ được kỹ thuật cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn trong điều trị các rối loạn nhịp chậm và triển khai hiệu quả, thành công trên tất cả các ca bệnh. Việc BVĐK tỉnh ứng dụng thành công kỹ thuật này vào điều trị giúp các bệnh nhân khi mắc phải bệnh lý nguy hiểm về rối loạn nhịp tim không còn phải chuyển lên tuyến trên để điều trị. Từ đó, giảm chi phí cũng như công sức, thời gian đi lại cho bệnh nhân.

LAM GIANG - N.HẰNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:42, 16/07/2024

Ý kiến bạn đọc


.