Gia tăng bệnh nhân đột quỵ do nắng nóng

09:25, 23/05/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời tiết nắng nóng gây nguy cơ đột quỵ đối với nhiều người, nhất là người mắc các bệnh nền như tiểu đường, huyết áp, máu nhiễm mỡ. Trong tháng 4/2024, số lượng bệnh nhân nhập viện do bị đột quỵ cấp tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh tăng hơn 20% so với tháng trước.
 
Những ngày qua, tại BVĐK tỉnh, số lượng bệnh nhân nhập viện do đột quỵ cấp gia tăng. Theo thống kê tại đơn vị đột quỵ (BVĐK tỉnh), số bệnh nhân bị đột quỵ cấp nhập viện điều trị tại khoa từ đầu năm 2024 đến nay khoảng 600 ca. Trong tháng 4/2024, khi Quảng Ngãi xuất hiện nhiều đợt nắng nóng gay gắt, kéo dài trên diện rộng, khoa tiếp nhận 150 bệnh nhân, tăng hơn 20% so với tháng 3/2024. Trong số các ca đột quỵ cấp, có nhiều ca trẻ tuổi. Các bệnh nhân nhập viện điều trị do đột quỵ cấp có triệu chứng chóng mặt, tê, liệt chân tay, gặp khó khăn khi nói, cơ thể mất thăng bằng đột ngột... Cùng với đó, nhiều bệnh nhân vào viện, khi đã bất tỉnh, hôn mê.
 Bệnh nhân đột quỵ điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc  (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).
Bệnh nhân đột quỵ điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).


Theo Bác sĩ chuyên khoa I Lương Quyết Thắng - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (BVĐK tỉnh), các nghiên cứu dịch tễ học ở các nước Châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Israel) chỉ ra rằng, nhiệt độ cao vào mùa hè làm tăng nguy cơ gây đột quỵ cũng như tăng tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân đột quỵ.

Nguyên nhân là khi thời tiết nắng nóng, dẫn đến chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, khiến cơ thể thích nghi không kịp thời. Cùng với đó, do đặc thù công việc, nhiều người phải làm việc ở môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao, khiến cơ thể bị mất nước, dẫn đến máu trở nên cô đặc hơn, từ đó gia tăng khả năng hình thành các cục máu đông trong tĩnh mạch. Những người mắc các bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường, máu nhiễm mỡ cũng nằm trong nhóm có nguy cơ bị đột quỵ cao khi thời tiết nắng nóng.

“Khi người bệnh có bất cứ các dấu hiệu như chóng mặt đột ngột; khó phát âm, diễn đạt; mất thăng bằng; tê, yếu chân, tay; hôn mê, bất tỉnh, người nhà cần đưa đến bệnh viện ngay. Bởi, thời gian "vàng" để cứu người đột quỵ tối đa trong vòng 4,5 giờ, kể từ khi khởi phát cơn đột quỵ. Cùng với đó, tuyệt đối không được tự ý dùng kim chích vào các đầu ngón tay, ngón chân hoặc cho người bị đột quỵ uống thuốc an cung ngưu hoàng hoàn.

Đây là các mẹo được nhiều người lưu truyền và làm theo, nhưng tác dụng của các phương pháp này đều chưa được kiểm chứng. Nhất là đối với thuốc an cung ngư hoàng hoàn, do thành phần của thuốc có chất giúp tan cục máu đông, nên khi bệnh nhân bị đột quỵ do xuất huyết não, việc uống thuốc này sẽ khiến tình trạng bệnh nhân thêm trầm trọng, tăng nguy cơ tử vong”, Bác sĩ Thắng khuyến cáo.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để giảm nguy cơ đột quỵ, mọi người nếu bắt buộc phải làm việc trong môi trường nóng bức, thì nên tránh các hoạt động thể lực quá sức. Định kỳ sau khoảng 45 phút đến 1 giờ làm việc thì nghỉ ngơi 10 - 15 phút ở nơi thoáng mát. Đồng thời, hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng, như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính...

Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:25, 23/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.