Phòng ngừa tật khúc xạ ở trẻ em

17:25, 20/02/2024
.
 

(Báo Quảng Ngãi)- Tật khúc xạ là từ chung chỉ các tật viễn thị, loạn thị, cận thị ở mắt, trong đó cận thị rất hay gặp ở trẻ em. Mắt bị tật khúc xạ sẽ làm cho các em học sinh gặp nhiều khó khăn trong học tập, sinh hoạt, ảnh hưởng đến kết quả học tập và sự phát triển toàn diện của các em.

Có nhiều yếu tố gây nên tật khúc xạ như trẻ xem tivi, chơi trò chơi điện tử, sử dụng Internet quá nhiều, phòng học thiếu ánh sáng, tư thế ngồi học và đọc sách không đúng, bàn ghế không phù hợp, thời gian học và đọc sách không hợp lý, ăn uống không đủ chất và di truyền.

Tư thế ngồi học không đúng là nguyên nhân gây ra các tật khúc xạ về mắt. 
                         Ảnh: MINH HIỀN
Tư thế ngồi học không đúng là nguyên nhân gây ra các tật khúc xạ về mắt. Ảnh: MINH HIỀN

Biểu hiện khi bị tật khúc xạ: Trẻ thường không nhìn rõ các vật ở xa, nhầm lẫn chữ viết ở trên bảng, đưa sách lại sát mắt để đọc, khi xem ti vi trẻ thường tới gần để xem, hay nheo mắt, chớp mắt, thường dụi mắt mặc dù không buồn ngủ, nghiêng hoặc quay đầu để nhìn cho rõ, sợ sáng, chói mắt, hay chảy nước mắt, tránh né những hoạt động cần thị giác xa như ném bóng.

Đeo kính gọng là phương pháp kinh điển nhất và được sử dụng phổ biến rộng rãi nhất hiện nay để điều chỉnh tật khúc xạ. Kính gọng điều chỉnh cho tật khúc xạ cận thị, viễn thị, loạn thị và lão thị. Kính gọng có thể được thiết kế đơn tròng, hai tròng và cả đa tròng. Ngoài việc điều chỉnh tật khúc xạ, kính gọng còn có thể góp phần tăng tính thời trang cho người đeo. Tuy nhiên, với một số người, kính gọng gây khó khăn trong công việc, hoạt động thể thao...

Kính sát tròng khắc phục được một số nhược điểm của kính gọng. Kính sát tròng có nhiều loại gồm kính cứng và kính mềm, kính sát tròng được thiết kế đeo ban ngày và có loại đeo ban đêm. Kính sát tròng chủ yếu dùng để điều chỉnh tật khúc xạ, ngoài ra còn có kính sát tròng màu tạo thẩm mỹ, kính sát tròng điều trị một số bệnh như dãn phình giác mạc sau phẫu thuật khúc xạ, giác mạc chóp.

Đối với phẫu thuật khúc xạ, gồm phẫu thuật nội nhãn và phẫu thuật ngoại nhãn. Các kỹ thuật ngoại nhãn như: Rạch giác mạc nan hoa, PRK, Lasek, Epi- Lasik, phẫu thuật Lasik… Phẫu thuật can thiệp vào nội nhãn, bao gồm phẫu thuật lấy thủy tinh thể (phẫu thuật nhũ tương hóa thủy tinh thể) và phẫu thuật đặt kính nội nhãn trên mắt còn thủy tinh thể (Phakic IOL). Phẫu thuật khúc xạ phát triển không ngừng giúp điều trị cận thị, viễn thị, loạn thị và cả lão thị, giải phóng khỏi kính cho rất nhiều người và đem lại chất lượng thị giác tốt ưu cho bệnh nhân.

Để phòng ngừa tật khúc xạ cho trẻ em bố mẹ cần tập cho con ngồi học đúng tư thế, cần lưu ý bàn, ghế học vừa với kích thước cơ thể của trẻ. Đảm bảo ánh sáng khi học, đọc. Khi trẻ đọc báo, sách, các thiết bị điện tử, học bài cần tập cho trẻ giữ một khoảng cách từ mắt đến sách, vở khoảng 30 - 40cm. Xem ti vi nên ngồi cách ti vi 2,5 - 3m... Ngoài ra, trẻ cần ngủ và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đa dạng các loại thực phẩm như khoai lang, cà rốt (cung cấp nhiều vitamin A); cải bó xôi, trứng (nguồn cung cấp lutein và zeaxanthin hỗ trợ bảo vệ võng mạc), sữa và các sản phẩm từ sữa (chứa vitamin A và kẽm)... Trẻ bị tật khúc xạ nên khám mắt 3 - 6 tháng một lần hoặc theo yêu cầu của bác sĩ.

           MINH HIỀN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 17:25, 20/02/2024

Ý kiến bạn đọc


.