Suy giảm khả năng vận động
Là tài xế xe tải, gần 2 tháng nay, mỗi lần lái xe, anh N.T.L (40 tuổi, ở phường Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi) hai đầu gối kêu răng rắc, đau nhức rất khó chịu. “Khi tôi nghỉ ngơi, xoa dầu vào hai đầu gối, thì cơn đau có cải thiện nhưng không chấm dứt hoàn toàn, mà cứ tái đi tái lại”, anh L cho biết.
Tạm gác công việc, anh L đến BVĐK tỉnh khám và được các bác sĩ chẩn đoán bị thoái hóa khớp gối. Điều này khiến anh L khá bất ngờ, vì trong suy nghĩ của anh, bệnh thoái hóa khớp là bệnh của những người cao tuổi. Cùng với đó, hằng tháng, anh L đều uống canxi bổ sung và tập TD-TT rất đều đặn.
Bác sĩ Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) khám khớp gối cho bệnh nhân. |
Bước sang tuổi 58, bà V.T.B.L, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) thường xuyên bị đau khớp gối, ảnh hưởng đến khả năng vận động. “Vào những ngày trái gió trở trời, sáng thức dậy, hai gối của tôi cứng đờ, đau, đi không được. Tôi phải nhờ người nhà xoa bóp khớp gối một lúc lâu thì mới ngồi dậy được. Thoạt đầu, tôi chỉ nghĩ đó là do thời tiết thay đổi thất thường, nhưng khi đi khám, tôi mới biết mình đã bị thoái hóa khớp gối dạng nặng”, bà L chia sẻ.
Chữa sớm để tránh biến chứng nguy hiểm
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tấn Bảy - Trưởng Khoa Nội tổng hợp (BVĐK tỉnh), thoái hóa khớp là bệnh phổ biến, thường gặp ở người từ 40 tuổi trở lên. Tình trạng này xảy ra khi lớp sụn bảo vệ các đầu xương của khớp bị hư hại, tổn thương. Nếu không điều trị kịp thời, có thể dẫn đến nguy cơ tàn tật cho người bệnh. Tuy nhiên, thông thường, ở giai đoạn đầu, biểu hiện của bệnh không quá nghiêm trọng, nên nhiều người chủ quan để bệnh tiến triển nghiêm trọng thì mới đến các cơ sở y tế để khám.
“Khi khớp mới bị thoái hóa, bệnh nhân thường xuất hiện triệu chứng đau khi vận động nhiều. Còn khi nghỉ ngơi thì triệu chứng đau giảm đi. Vì vậy, nhiều người đã chủ quan, không đến khám tại bệnh viện. Hầu hết người bệnh chỉ đến bệnh viện khi xuất hiện các triệu chứng như cứng khớp, đau nhức không thuyên giảm, ảnh hưởng đến cuộc sống, khả năng vận động. Lúc này, thoái hóa khớp đã chuyển nặng. Trong khi đó, đối với bệnh thoái hóa khớp, việc điều trị đúng và kịp thời giúp hạn chế tối đa các biến chứng, còn điều trị muộn có thể khiến người bệnh bị tàn tật vĩnh viễn”, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tấn Bảy cho biết.
Tại BVĐK tỉnh, để điều trị bệnh thoái hóa khớp, bệnh viện đang đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật tiêm nội khớp. Đây được xem là kỹ thuật an toàn, hiệu quả, ít tốn kém, giúp bệnh nhân điều trị được bệnh thoái hóa ở giai đoạn sớm, tránh diễn biến nặng phải thay khớp.
“Tiêm nội khớp là đưa thuốc vào trực tiếp bên trong khớp để điều trị các bệnh liên quan đến khớp. Đối với kỹ thuật này, tùy vào tình trạng của khớp, mà bác sĩ sẽ chỉ định tiêm các loại thuốc khác nhau. Đối với trường hợp thoái hóa khớp có phản ứng viêm nhiều, gây tràn dịch khớp, thì chỉ định tiêm thuốc kháng viêm corticoid. Trường hợp cần tăng khả năng bôi trơn, giảm đau, cải thiện phạm vi vận động của khớp thì chỉ định tiêm Acid hyaluronic. Cùng với đó, bệnh viện cũng đang hoàn tất các thủ tục cần thiết, để triển khai kỹ thuật tiêm nội khớp bằng huyết tương giàu tiểu cầu của chính người bệnh. Phương pháp này không chỉ giúp người bệnh kiểm soát được cơn đau, mà còn giúp người bệnh phục hồi được mô sụn của khớp đã bị thoái hóa. Đây là ưu điểm mà các phương pháp nội khoa khác không thể làm được”, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tấn Bảy nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Ý THU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: