Phòng bệnh đau mắt đỏ

15:29, 07/09/2023
.
(Baoquangngai.vn)- Bệnh viêm kết mạc cấp hay còn gọi là đau mắt đỏ hiện nay đang vào mùa, với số người mắc bệnh tăng. Bệnh rất dễ lây sang cho người khác, mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Đa số các trường hợp bệnh nhân sẽ tự hết sau 7 đến 14 ngày. Tuy nhiên, người bệnh không điều trị kịp thời sẽ để lại biến chứng viêm, loét giác mạc dẫn đến suy giảm thị lực sau này làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và lao động.

Nguyên nhân của bệnh đau mắt đỏ chủ yếu là do vi rút Adeno gây ra, thời tiết mưa và ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho vi rút phát triển gây bệnh; môi trường nhiều khói bụi, sử dụng nước bị nhiễm bệnh như ao, hồ, bể bơi; lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người bệnh khi họ nói chuyện, hắt hơi, sờ tay vào những đồ dùng cá nhân của người bệnh như gối, mền, khăn mặt, bàn chải đánh răng, tay nắm cửa, chìa khóa, điện thoại, đồ chơi…
 
Để phòng bệnh đau mắt đỏ khi có biểu hiện đau mắt, cần đến ngay cơ sở y tế để khám mắt và điều trị kịp thời.
Để phòng bệnh đau mắt đỏ khi có biểu hiện đau mắt, cần đến ngay cơ sở y tế để khám mắt và điều trị kịp thời.

Bác sĩ Đoàn Văn Xiêm - Trưởng khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, người bệnh đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai và có nhiều ghèn, cảm giác cộm, xốn như có cát trong mắt. Mi mắt sưng nhẹ, mọng, nổi cộm. Người bệnh mệt mỏi, đau họng, ho, sốt nhẹ, nổi hạch trước tai thường hay gặp ở trẻ em. Gia đình có một người đau mắt đỏ thì hầu như các thành viên còn lại cũng bị theo.

Bệnh đau mắt đỏ không nguy hiểm, không gây biến chứng về sau nếu điều trị đúng. Chúng ta cần phải hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác để tránh lây nhiễm, tuyệt đối không chủ quan và chủ động phòng tránh bệnh.

Bác sĩ Đoàn Văn Xiêm khuyến cáo, cách phòng bệnh tốt nhất là cách ly với người bệnh. Thực hiện vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch. Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, dùng riêng khăn, gối, mền, chậu rửa mặt, giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày, không dùng tay dụi vào mắt. Hạn chế đến những nơi đông người, đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh như bệnh viện… không sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đi bơi trong giai đoạn có người mắc bệnh. Mang mắt kính che bụi khi ra đường, rửa mắt với dung dịch NaCl 0,9% 3 lần/ngày… Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

Bệnh đau mắt đỏ cho đến nay chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Khi chúng ta có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế nhằm ngăn ngừa biến chứng nặng.       

MINH HIỀN


TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 15:29, 07/09/2023

Ý kiến bạn đọc


.