(Báo Quảng Ngãi)- Bệnh thủy đậu hay còn gọi là bệnh trái rạ. Đây là bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan thành dịch. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nếu cơ thể chưa có miễn dịch chống lại chúng.
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do vi rút Varicella Zoster gây ra. Vi rút gây bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp. Khi người bệnh nói, hắt hơi, chảy nước mũi... vi khuẩn theo đó bắn ra ngoài và người lành hít phải sẽ bị lây bệnh. Ngoài ra, khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu, bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ ra. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.
Bệnh nhân thủy đậu đang được bác sĩ khám tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). |
Bác sĩ Lương Văn Tuấn - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết, người bệnh có triệu chứng sốt nhẹ, có thể là sốt trung bình. Biểu hiện là xuất hiện các mụn nước ở mặt, tứ chi hoặc ngực. Các tổn thương mụn nước ở nhiều lứa tuổi khác nhau và kích thích lớn, nhỏ khác nhau. Lúc đầu, mụn nước này là dịch trong mà chúng ta để một vài ngày sau có thể đục. Sau đó, mụn nước khô và xẹp đi.
Thủy đậu là bệnh lành tính, nhưng nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm da “bội nhiễm”, để lại các vết sẹo lõm trên da về sau, gây viêm phổi với triệu chứng như đau ngực, khó thở, tím tái, ho ra máu. Nguy hiểm hơn, bệnh có thể dẫn đến viêm não. Bệnh thủy đậu đã có vắc xin phòng bệnh. Do đó, tiêm vắc xin để phòng bệnh thủy đậu là giải pháp hiệu quả nhất. Thời gian vắc xin có hiệu lực là 3 tuần sau khi tiêm và thời gian miễn dịch trung bình là 15 năm. Người lớn chưa bị thủy đậu, có thể tiêm vào bất cứ lúc nào. Trẻ đủ 12 tháng tuổi trở lên mới được tiêm.
Người mắc bệnh thủy đậu phải nghỉ học hoặc nghỉ làm trong vòng 1 tuần đến 10 ngày, để tránh tiếp xúc và lây lan cho người khác. Nên cho người bị thủy đậu ăn thức ăn nhiều dinh dưỡng nhưng chế biến mềm, lỏng, dễ tiêu hóa. Khuyến kích ăn thêm hoa quả tươi hoặc uống nước ép từ trái cây; cho trẻ uống thêm vitamin C để tăng cường sức đề kháng. Người bệnh cần tắm rửa, vệ sinh da sạch sẽ bằng nước ấm tại nơi kín gió; sau khi tắm lau khô da và có thể sử dụng một số loại thuốc sát trùng bôi ngoài da thông dụng như xanh methylene, betadine để chấm lên các nốt mụn nước. Khi vệ sinh da cần thao tác nhẹ nhàng, tránh làm vỡ các mụn nước, không tự chọc vỡ các mụn nước vì việc này có thể gây nhiễm trùng.
Bài, ảnh: KIM LIÊN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: