(Báo Quảng Ngãi)- Viêm tai giữa là bệnh do vi rút hoặc vi khuẩn làm cho vùng tai giữa phía sau màng nhĩ bị viêm nhiễm. Bệnh còn được gọi với cái tên khác là nhiễm trùng tai giữa. Bệnh lý viêm tai giữa thường xảy ra nhiều hơn ở trẻ em, nhất là khi thời tiết chuyển sang lạnh trẻ rất dễ mắc bệnh. Bệnh có thể để lại những biến chứng nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời.
Bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh khám tai cho trẻ em. Ảnh: KIM LIÊN |
Viêm tai giữa thường gặp ở trẻ từ 6 tháng tới 3 tuổi. Trẻ thường mắc viêm tai giữa do viêm VA lan vào vòi nhĩ, làm cho vòi nhĩ bị viêm và tắc lại. Ở trẻ em, vòi nhĩ ngắn hơn, khẩu kính lớn hơn ở người lớn nên vi khuẩn và các chất xuất tiết ở mũi họng rất dễ lan lên tai giữa. Đặc biệt, hệ thống niêm mạc đường hô hấp ở trẻ rất nhạy cảm, rất dễ phản ứng với những kích thích bằng hiện tượng xuất tiết dịch, làm cho dịch ứ đọng nhiều trong hòm tai, gây viêm.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Lệ Châu - Trưởng khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) cho biết, tai được chia làm 3 phần, tai ngoài, tai giữa và tai trong. Giữa tai ngoài và tai giữa được ngăn cách bởi màng nhĩ. Vì màng nhĩ mỏng nên khi thao tác hoặc va đập mạnh có thể dẫn đến bị thủng. Trong tai giữa có 1 cấu trúc rất quan trọng là vòi ớt - tác. Vòi này thông với vùng họng mũi, nên những bệnh lý vùng họng mũi sẽ dẫn đến bệnh lý về viêm tai giữa.
Trẻ bị viêm đường hô hấp trên dễ khiến vòi nhĩ bị tắc nghẽn, sưng viêm dẫn đến các chất dịch tiết ra bị mắc kẹt trong đó. Điều này tạo ra một môi trường ẩm ướt cho vi khuẩn và vi rút sinh sôi. Khi nhiễm trùng xảy ra, vòi nhĩ bị sưng mủ và tạo áp lực lên màng nhĩ khiến màng nhĩ phồng lên, thậm chí bị rách do áp lực gia tăng. Trẻ mắc bệnh này thường dễ bị sốt, mất ngủ, ốm yếu, sút cân, thậm chí đau đớn quấy khóc.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Lệ Châu, bệnh lý viêm tai giữa ở giai đoạn đầu thường không có nhiều triệu chứng nguy hiểm. Vì vậy, cha mẹ thường chủ quan nên đưa trẻ tới bác sĩ ở giai đoạn muộn dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, áp xe não, liệt dây thần kinh mặt... Bệnh gây ra các biến chứng nguy hiểm, mà thường hay gặp là giảm sức nghe không phục hồi ở trẻ.
Với những trẻ thường xuyên bị sổ mũi, cha mẹ nên dùng nước muối sinh lý rửa cho con, lấy hết nước mũi để mũi sạch sẽ và thông thoáng. Đối với trẻ nhỏ đang bú sữa mẹ thì không nên để trẻ bú trong tư thế nằm, vì như vậy trẻ dễ bị sặc sữa, sữa sẽ đi vào tai gây ra chứng viêm tai. Khi trẻ bị cảm cúm hay nhiễm siêu vi cần phải theo dõi tình trạng và điều trị triệt để viêm mũi, họng. Đối với trẻ thường xuyên đi tắm hồ bơi thì sử dụng nước muối để vệ sinh mũi, họng, đặc biệt là vùng tai để tránh gây viêm nhiễm. Đặc biệt, người nhà không nên tự ý điều trị bệnh cho trẻ khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
KIM LIÊN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: