Việt Nam đạt 100 triệu dân: 3 cơ hội phát triển bứt tốc!

08:30, 11/07/2023
.

Dân số Việt Nam đạt 100 triệu là một dấu mốc quan trọng, ấn tượng trong quá trình phát triển đất nước. Việt Nam đã lọt vào “Câu lạc bộ 15 nước đông dân nhất thế giới”, trở thành cường quốc về dân số theo cả quy mô và thứ bậc.

Chăm sóc trẻ sơ sinh. Ảnh minh họa
Chăm sóc trẻ sơ sinh. Ảnh minh họa

Với 100 triệu dân, bên cạnh những thách thức, như: Già hóa dân số nhanh; mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng; chất lượng dân số chưa cao (năm 2021 xếp thứ 115 trong tổng số 193 nước so sánh)... dân số Việt Nam cũng có 3 đặc điểm nổi bật mang lại cơ hội thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Một là, quy mô dân số lớn khi có mức thu nhập trung bình và tăng nhanh, Việt Nam trở thành thị trường đáng chú ý.

Đạt 100 triệu dân, khi đất nước đã gần 40 năm đổi mới, Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người đạt mức trung bình và tăng nhanh. Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ tiêu này của Việt Nam sau 30 năm đã tăng hơn 33 lần (năm 1991, chỉ có 110 USD/người, năm 2021 là 3.590 USD), sức mua theo đó cũng tăng lên.

Chủ đề Ngày Dân số thế giới 11/7 năm 2023 là: Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta.
Quy mô dân số lớn, sức mua tăng nhanh đưa Việt Nam trở thành một thị trường khá lớn, đáng được chú ý. Ngày nay, mỗi năm, chỉ cần cung cấp cho mỗi người Việt Nam 10 USD sản phẩm hay dịch vụ nào đó, đã có thể thu về cả tỷ USD.

Do vậy, bên cạnh việc mở rộng thị trường ra thế giới, Việt Nam có cả điều kiện cần và đủ để phát triển thị trường trong nước, tăng khả năng chống chọi trước những biến động thất thường của thị trường thế giới.

Hai là, Việt Nam đạt 100 triệu dân trong thời kỳ “Cơ cấu dân số vàng”, dồi dào lao động

Dân số được gọi là có “cơ cấu dân số vàng” khi tỷ lệ những người từ 15 tuổi đến 64 tuổi (những người có thể có khả năng lao động) chiếm 66% trở lên trong tổng dân số.

Đây là cơ cấu rất hiếm gặp (quý và hiếm như vàng), vì nhiều nước mức sinh cao, trẻ em nhiều hoặc những nước dân số già, nhiều người cao tuổi sẽ không có cơ cấu này. Năm 1979, tỷ lệ dân số từ 15 đến 64 tuổi ở nước ta chỉ có 52,7%, năm nay tỷ lệ này là 67,5%.

Vì thế, nếu cùng 100 triệu dân, năm 1979, Việt Nam chỉ có 52,7 triệu người có thể có khả năng lao động nhưng năm nay có tới 67,5 triệu tăng tới gần 15 triệu người. Đây là dư lợi lớn về lao động do “cơ cấu dân số vàng” mang lại, tạo cơ hội cho tăng trưởng kinh tế nhanh. Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác có nền kinh tế “thần kỳ” trong thời kỳ “cơ cấu dân số “vàng”.

Nhưng “cơ cấu dân số vàng” cũng chỉ mang lại cơ hội cho tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước. Để tận dụng được cơ hội này, những người trong độ tuổi lao động phải khỏe mạnh, đủ sức làm việc; những người đủ sức làm việc phải có việc làm và những người có việc làm phải làm việc với năng suất cao.

Theo Nhandan.vn

 

Xuất bản lúc: 08:30, 11/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.