Cách xử trí khi bị say nắng, say nóng

21:55, 30/06/2023
.

(Baoquangngai.vn)- Hiện nay, thời tiết liên tục nắng nóng nhiệt độ đạt ngưỡng từ 38 - 40 độ C. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa hè năm nay còn nhiều đợt nắng nóng, nhiệt độ cao nhất có thể lên đến 41 – 42 độ C sẽ khiến nhiều người bị say nắng, say nóng. Vì thế, chúng ta cần biết được trong điều kiện, hoàn cảnh nào sẽ bị say nắng, say nóng để phòng tránh và có cách xử trí kịp thời.

Nguyên nhân bị say nắng: Khi lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng, nhiều tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy. Dưới tác dụng liên tục của ánh sáng mặt trời gay gắt, trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể sẽ bị chấn động làm rối loạn điều hòa thân nhiệt cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể. Như vậy say nắng thường biểu hiện bệnh nặng ngay từ đầu, sẽ có nhiều dấu hiệu thần kinh sớm, rất rõ, tổn thương có thể hồi phục hoặc không hồi phục. Một số trường hợp có thể có tụ máu dưới màng cứng và trong não.

Say nóng là tình trạng mất nước toàn thể kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt, rối loạn vận mạch. Ánh nắng mặt trời và sức nóng là 2 tác nhân vật lý có thể gây stress với cơ thể. Khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, cùng với việc phải phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời hoặc phải làm việc trong điều kiện môi trường nhiệt độ cao nóng bức (hầm lò, trong phòng kín, nhà máy...), hoặc hoạt động thể lực quá sức ở người trẻ (chơi các môn thể thao cường độ cao, làm việc nặng nhọc kéo dài)... sẽ dẫn đến hiện tượng lượng nhiệt sinh ra và lượng nhiệt hấp thu lớn hơn nhiều so với lượng nhiệt cơ thể tỏa ra môi trường xung quanh. Do đó trong say nóng, tình trạng mất nước toàn thể là chủ yếu.

Bác sĩ Bùi Thị Tố Tâm - BSCKI, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Triệu chứng của người khi bị say nắng, say nóng là thân nhiệt tăng cao trên 40,5 độ C là dấu hiệu đầu tiên, vã mồ hôi, đau nhói đầu, choáng váng, mặt đỏ bừng, nghẹt thở, buồn nôn… sau đó chóng mặt, hoa mắt, mạch nhanh, chuột rút, sốt cao 42-44 độ C, da và niêm mạc bị khô, trụy mạch, mê sảng, co giật dẫn đến bất tỉnh và hôn mê. Đối với trẻ em dưới 4 tuổi biểu hiện tình trạng mất nước: Sốt, quấy khóc, vật vã… có thể bị hôn mê, co giật dẫn đến tử vong.

Khi gặp trường hợp say nắng, say nóng cần xử trí đúng cách và kịp thời sẽ giúp người bệnh tránh được những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe sau này. Bác sĩ Bùi Thị Tố Tâm - BSCKI, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo: Nhanh chóng tiến hành giảm thân nhiệt cho nạn nhân bằng cách chuyển nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối, chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ. Nếu nạn nhân hôn mê không uống được nước và bị nôn, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển đặt đầu nạn nhân thấp, vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.

Để phòng không bị say nắng, say nóng vào mùa hè chúng ta không nên làm việc, sinh hoạt quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức. Sau một giờ làm việc ngoài trời nắng nóng hoặc trong hầm lò, nhà máy nên nghỉ giải lao khoảng 10-15 phút. Uống đủ nước khi trời nóng hoặc lao động nặng (2 lít/ngày). Khi lao động, làm việc ngoài trời nắng mặc quần áo bảo hộ lao động, mũ hoặc nón, đeo khẩu trang, kính… Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt là các công xưởng, hầm lò rất có ý nghĩa trong việc phòng chống say nắng, say nóng. Trẻ em, người cao tuổi, trong những ngày nắng nóng hạn chế đến mức tối đa ra nắng.

MINH HIỀN

Xuất bản lúc: 21:55, 30/06/2023

Ý kiến bạn đọc


.