Bổ sung vi chất vào thực phẩm cho trẻ em

15:02, 06/06/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm là một trong những nhóm chất dinh dưỡng chính cần thiết cho cơ thể. Với trẻ em, vi chất đóng vai trò rất quan trọng, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ.

Vi chất dinh dưỡng là các chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng nếu thiếu sẽ gây nên hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe. Vi chất tham gia vào việc xây dựng tế bào, mô; vào các hoạt động như hô hấp, chuyển hóa, bài tiết, xây dựng hệ thống miễn dịch của cơ thể; giúp phục hồi các tế bào, mô bị tổn thương. Đặc biệt, vi chất dinh dưỡng giúp cơ thể phát triển trí tuệ, thể chất...

Trẻ em cần được bổ sung vi chất dinh dưỡng để giúp cơ thể phát triển toàn diện.
Trẻ em cần được bổ sung vi chất dinh dưỡng để giúp cơ thể phát triển toàn diện.

Các vi chất dinh dưỡng bắt buộc tăng cường vào thực phẩm cho trẻ bao gồm i ốt, sắt, kẽm và vitamin A. Tăng cường i ốt vào muối để phòng, chống bệnh bướu cổ và các rối loạn do thiếu i ốt. Tăng cường sắt để phòng, chống thiếu máu do thiếu sắt và khắc phục các hậu quả thiếu máu do thiếu sắt như chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng, giảm phát triển trí tuệ. Tăng cường kẽm để cải thiện tăng trưởng, góp phần nâng cao tầm vóc con người; phòng, chống một số rối loạn chuyển hóa, bệnh nhiễm khuẩn, rối loạn phát triển xương. Tăng cường vitamin A và dầu thực vật để phòng, chống khô mắt, mù lòa và khắc phục các hậu quả như suy dinh dưỡng do thiếu vitamin A gây ra và góp phần tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Bác sĩ Võ Văn Phú - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, đối với trẻ em, hậu quả của việc thiếu vi chất dinh dưỡng rất nặng nề. Vi chất dinh dưỡng có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe, trí tuệ của trẻ. Các vi chất dinh dưỡng phổ biến là sắt, vitamin A, i ốt, kẽm. Thiếu vitamin A làm giảm khả năng miễn dịch, ảnh hưởng đến chức năng của mắt như quáng gà, khô, loét giác mạc và mù. Thiếu sắt gây thiếu máu, ảnh hưởng đến sự phát triển của nhận thức, làm giảm khả năng học tập ở trẻ; thiếu i ốt gây bướu cổ, kém phát triển trí tuệ. Thiếu kẽm gây suy giảm miễn dịch, dễ nhiễm trùng và đặc biệt là gây bệnh tiêu chảy, suy dinh dưỡng.

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, hiện có khoảng 2 tỷ người trên toàn cầu bị thiếu vi chất dinh dưỡng. Thiếu vitamin A, sắt và rối loạn do thiếu i ốt khá phổ biến ở các nước nghèo, các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, 54,3% phụ nữ có thai và 63,6% trẻ dưới 5 tuổi trong tình trạng thiếu sắt hoặc thiếu máu; 80% phụ nữ có thai và 69,4% trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm; 35% phụ nữ đang cho con bú có sữa mẹ với hàm lượng vitamin A thấp.

“Để phòng thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ thì cần đa dạng bữa ăn, phối hợp nhiều loại thực phẩm. Sử dụng các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, ăn đủ rau và trái cây tươi, tăng cường ăn rau xanh đậm và củ quả màu vàng đậm, thực phẩm nguồn gốc động vật và hải sản chứa nhiều kẽm. Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Bổ sung mỡ hoặc dầu trong thức ăn để tăng hấp thu vitamin A, vitamin D. Trẻ em trong độ tuổi phải được uống vitamin A mỗi năm 2 lần. Phụ nữ sau sinh cần uống một liều vitamin A...”, bác sĩ Võ Văn Phú khuyến cáo.

Ngoài ra, trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi cần được tẩy giun 2 lần/năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường để phòng, chống nhiễm giun. Phụ nữ trước và trong khi mang thai cần uống viên sắt, axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn. Sử dụng muối i ốt và các sản phẩm có bổ sung i ốt trong bữa ăn hằng ngày.

Bài, ảnh: KIM LIÊN



 


Ý kiến bạn đọc


.