Phòng ngừa dị ứng thực phẩm

14:52, 18/04/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dị ứng thực phẩm vốn được xem là không nguy hiểm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, dị ứng thực phẩm có thể dẫn đến phản ứng phản vệ - là nguyên nhân gây tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.

Đôi khi chỉ một lượng nhỏ thực phẩm gây dị ứng cũng có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng. Các loại thực phẩm hay gây dị ứng như cá ngừ, cua đồng, tôm, thịt bò, nhộng tằm, đậu phụng, kiwi, sữa tươi, lòng trắng trứng, lúa mì... Dị ứng thực phẩm rất dễ bị nhầm với tình trạng không dung nạp thực phẩm. Điều khác biệt là chứng không dung nạp thực phẩm thường ít nghiêm trọng hơn và không liên quan đến hệ miễn dịch.

Bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh chăm sóc trẻ.                      Ảnh: Minh Hiền
Bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh chăm sóc trẻ.                      Ảnh: Minh Hiền

Theo ước tính của các chuyên gia, có khoảng 6 - 8% trẻ bị dị ứng thực phẩm và khoảng 4% người trưởng thành gặp phải vấn đề này. Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Trà Thị Thanh Vân cho biết, các triệu chứng dị ứng thực phẩm thường xuất hiện trong vòng vài phút đến 2 giờ sau khi ăn các loại thức ăn gây dị ứng. Các dấu hiệu phổ biến là nổi mẩn đỏ quanh miệng, nổi mề đay, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và nôn, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, mất ý thức. Trong một số trường hợp, dị ứng thực phẩm có thể gây phản ứng phản vệ nặng với những triệu chứng như khó thở, hạ huyết áp, mạch đập nhanh...

Nguyên nhân trẻ em bị dị ứng thực phẩm do cơ thể quá mẫn cảm với một chất trong thực phẩm. Khi dùng các loại thức ăn có nguy cơ gây dị ứng, hệ miễn dịch sẽ sản sinh kháng thể IgE để trung hòa các dị nguyên. Đến lần tiếp theo, trẻ ăn lại thực phẩm đó, kháng thể IgE sẽ cảm nhận và gửi tín hiệu đến hệ miễn dịch để giải phóng histamine vào máu. Lúc này, các triệu chứng dị ứng như nổi mề đay, buồn nôn, ngứa... sẽ xảy ra. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị dị ứng thực phẩm như tiền sử gia đình, mắc các dị ứng khác đặc biệt là hen, tuổi tác.

Bác sĩ Trà Thị Thanh Vân khuyến cáo, khi chẩn đoán dị ứng thực phẩm cần kiểm tra các triệu chứng mà người bệnh gặp phải, khám sức khỏe tổng quát, đặt câu hỏi về thực đơn ăn uống, xét nghiệm dị ứng da, xét nghiệm máu, kiểm tra yếu tố tâm lý. Đối với phản ứng nhẹ, có thể dùng thuốc không kê toa hoặc thuốc kháng histamine để làm giảm các triệu chứng. Những loại thuốc này có thể dùng sau khi tiếp xúc với thực phẩm gây dị ứng để giúp giảm triệu chứng. Cần lưu ý rằng, thuốc kháng histamine không dùng cho phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Không ăn các thức ăn có nguy cơ gây dị ứng, đọc nhãn thực phẩm trước khi dùng, luôn giữ gìn vệ sinh cho trẻ sạch sẽ.

MINH HIỀN



 


Ý kiến bạn đọc


.