Trao cơ hội hòa nhập cộng đồng cho trẻ tự kỷ

20:24, 16/02/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Từ khi triển khai mô hình can thiệp điều trị cho trẻ tự kỷ, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi đã giúp gần 50 trẻ hòa nhập cộng đồng. Nhiều năm liền, Khoa Tâm Căn, Tâm thần nhi của bệnh viện trở thành nơi đầy ắp niềm vui và tình yêu thương giúp hàng trăm bệnh nhi phục hồi hiệu quả.
[links()]
Đồng hành cùng con chữa bệnh
 
Đã ba năm nay, chị Nguyễn Minh Hằng ngụ ở TP.Quảng Ngãi luôn là người đưa đón con đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi để tham gia lớp điều trị trẻ tự kỷ. Đều đặn mỗi tuần 3 buổi, ngày nắng cũng như mưa, chị Hằng luôn kiên trì ngồi bên ngoài lớp học để chờ đợi hết thời gian điều trị để chở con về. Vất vả là vậy, nên chị mừng rơi nước mắt trước những tiến bộ từng ngày của con. “Tôi nhớ như in, lần đầu tiên con gọi tiếng mẹ. Lúc đó cháu đã hơn 2 tuổi rồi, và sau 10 buổi can thiệp điều trị tại bệnh viện”- chị Hằng rưng rưng nhớ lại.
 
Con trai chị được sinh bằng phương pháp mổ đẻ. Từ lúc chào đời đến khoảng 2 tuổi, gia đình không phát hiện cháu có biểu hiện bất thường. Cứ nghĩ cháu chậm nói so với trẻ cùng trang lứa. Nhưng mãi mà cháu vẫn cứ không nói ra được gì dù chỉ là những tiếng đơn giản. Bố mẹ trò chuyện với bé thì bé cũng không chú ý và đáp lại.
 
Lúc này, lo lắng con mình phát triển bất thường, chị Hằng cố gắng đưa cháu đi mầm non để tiếp xúc với các bạn. Nhưng rồi, chuyển trường 4-5 lần, cháu cũng chẳng tiến bộ, không chịu hòa nhập với bạn và cũng không biết nói. Qua thời gian dài, chị Hằng mới tìm hiểu và biết đến mô hình can thiệp cho trẻ tự kỷ tại Khoa Tâm căn, Tâm thần nhi của Bệnh viện Tâm thần tỉnh.
Phụ huynh kiên trì cùng con đi can thiệp điều trị tự kỷ để có kết quả tốt nhất
Phụ huynh kiên trì cùng con đi can thiệp điều trị tự kỷ để có kết quả tốt nhất
“Kiên nhẫn chở con đi điều trị suốt ba năm trời, nhiều lúc nản vô cùng, buồn vô cùng vì đi mãi mà con vẫn cứ dậm chân tại chỗ. Nhưng rồi, cái ngày con vừa ra khỏi lớp điều trị, tiếng mẹ chưa tròn vành rõ chữ từ miệng con phát ra đã khiến tôi không kiềm được nước mắt. Sau đó, cứ mỗi tuần con lại tiến bộ một chút. Giờ con đã 5 tuổi có thể nói chuyện và chơi đùa cùng các bạn bằng tuổi”- chị Hằng gói gọn hành trình vất vả cùng đứa con tự kỷ bằng niềm hạnh phúc vỡ òa khi nhìn thấy con tiến bộ.
 
Vừa biết đến mô hình can thiệp cho trẻ tự kỷ, chị Lê Thị Bích ngụ ở huyện Tư Nghĩa cũng dẫn con đến tham gia. Bé năm nay đã 4 tuổi, chức năng giao tiếp kém lại được can thiệp muộn nên khá vất vả. Những buổi đầu đi điều trị, chị Bích xót xa khi con khóc liên tục vì tiếp xúc với cô giáo lạ, môi trường lạ. Những rồi, nhờ có phương pháp can thiệp đúng, chỉ một kỹ thuật viên cố định tiếp xúc với con xuyên suốt liệu trình. Dần dần, bé trở nên chịu giao tiếp và học hỏi được nhiều hơn.
 
“Trước khi tham gia điều trị cho con thì tôi được tư vấn kỹ. Tôi hiểu rằng chữa trị cho trẻ tự kỷ không thể thấy được hiệu quả tức thì mà phải tính theo tháng, theo năm. Nhưng chỉ cần con có tiến bộ thì khổ mấy tôi cũng có thể đồng hành cùng con”- chị Bích thể hiện sự quyết tâm.
 
Mở rộng mô hình can thiệp cho trẻ tự kỷ
 
Từ năm 2013 đến nay, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhập và can thiệp điều trị cho 150 trẻ tự kỷ bằng phương pháp giáo dục và dỗ dành trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong giao tiếp, hành vi thông qua các hoạt động thường ngày (gọi tắt là TEACCH).
 
Mỗi lần điều trị kéo dài khoảng 45 phút, một kỹ thuật viên cố định chịu trách nhiệm thực hiện liệu trình điều trị xuyên suốt với một bệnh nhi. Trong thời gian này, trẻ sẽ được hướng dẫn phát âm, luyện kỹ năng lắng nghe, giao tiếp mắt, vận động thô, kỹ năng xã hội… Trước khi được can thiệp bằng phương pháp TEACCH, từng bé sẽ được khám sàng lọc để biết được mỗi bé bị khiếm khuyết chức năng gì để thực hiện liệu trình can thiệp riêng.
Bằng phương pháp TEACCH, trẻ tự kỷ được luyện nhiều kỹ năng và có tiến bộ sau thời gian dài điều trị
Bằng phương pháp TEACCH, trẻ tự kỷ được luyện nhiều kỹ năng và có tiến bộ sau thời gian dài điều trị
Điều dưỡng Trần Thị Mi Ni cho biết: “Với mỗi bé khác nhau thì kỹ thuật viên điều chỉnh theo kết quả kiểm tra mức độ tự kỷ để dạy dỗ khác nhau. Phải mất thời gian can thiệt 3-5 năm thì trẻ mới có thể phục hồi và hòa nhập cộng đồng, đi học bình thường. Gia đình phải luôn dìu dắt, sát cánh liên tục cùng trẻ thì mới có thể đạt được hiệu quả như mong muốn”.
 
Hiện nhu cầu phụ huynh đưa trẻ tự kỷ đi can thiệt điều trị ngày càng cao. Hiện tất cả 7 cử nhân tâm lý, kỹ thuật viên tại Khoa Tâm căn, Tâm thần trẻ em của bệnh viện phải làm việc liên tục. Trung bình mỗi ngày, một người phụ trách điều trị, dạy dỗ cho 6 ca bệnh nhi.
 
Cử nhân tâm lý Trần Thị Phong Hậu- Khoa Tâm căn, Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: Thời điểm vàng để can thiệp hiệu quả cho trẻ là từ 2-3 tuổi. Phụ huynh cần lưu ý, theo dõi con nếu phát hiện trẻ phát triển các chức năng không bằng trẻ cùng tuổi thì phải đưa đi kiểm tra và can thiệp kịp thời để có kết quả tốt nhất.
 
Sau nhiều năm kiên trì can thiệp, trong số 150 trẻ được điều trị bằng phương pháp TEACCH tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, đã có 47 cháu phục hồi, hòa nhập cộng đồng và bước vào tiểu học. Nhiều trẻ khác từ có biểu hiện khiếm khuyết các chức năng nặng, sau thời gian được can thiệp đã có tiến bộ vượt bậc.
 
Bác sĩ Nguyễn Văn Bé- Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: Sau thời gian triển khai can thiệp điều trị cho trẻ tự kỷ, chúng tôi nhận thấy được hiệu quả. Ngày càng có nhiều gia đình đăng ký cho con tham gia mô hình. Bệnh viện xem công tác điều trị cho trẻ tự kỷ là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được đẩy mạnh.
 
Sắp tới, bệnh viện sẽ mở rộng Khoa Tâm căn, Tâm thần trẻ em để có thể tiếp nhận điều trị cho nhiều trẻ tự kỷ hơn nữa. Trong đó, sẽ chú trọng tăng cường thêm bác sĩ, chuyên gia tâm lý và đầu tư cơ sở vật chất để tạo ra hiệu quả tích cực trong quá trình can thiệp, nhằm trao cơ hội cho trẻ hòa nhập cộng đồng.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

 


.