Ngày 3/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức chặn thương vụ tập đoàn thép Nippon Steel (Nhật Bản) mua lại tập đoàn thép US Steel (Mỹ) với giá 14,9 tỉ USD, do lo ngại về an ninh quốc gia.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ở Washington D.C, Mỹ hôm 2/1. Ảnh: REUTERS |
"Thương vụ mua lại này sẽ đặt một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất của Mỹ dưới sự kiểm soát của nước ngoài và tạo ra rủi ro cho an ninh quốc gia và chuỗi cung ứng quan trọng của chúng ta. Đó là lý do tôi đang hành động để chặn thương vụ này" - trang web Nhà Trắng đăng tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 3/1.
Nhà lãnh đạo Mỹ chỉ ra: "Như tôi đã nói nhiều lần, sản xuất thép - cùng với những công nhân sản xuất thép - là xương sống của quốc gia chúng ta. Nếu không có hoạt động sản xuất thép trong nước và công nhân thép nội địa, quốc gia chúng ta sẽ trở nên ít mạnh mẽ và kém an toàn hơn".
Trong sắc lệnh hành pháp được ký cùng ngày, ông Biden đã dẫn lại Đạo luật Sản xuất quốc phòng năm 1950, cho biết ông tin rằng Nippon Steel "có thể thực hiện hành động đe dọa làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ".
Theo Hãng tin Reuters, quyết định của ông Biden đã giáng đòn chí mạng vào đề xuất mua lại gây tranh cãi nói trên sau một năm xem xét.
Thương vụ được công bố vào tháng 12/2023 và gần như ngay lập tức vấp phải sự phản đối trên khắp chính trường Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 5/11/2024. Cả ông Donald Trump và ông Biden đều tuyên bố sẽ chặn thương vụ.
Thương vụ mua lại được công bố với mục đích tạo ra nhà sản xuất thép lớn thứ ba thế giới, do Nippon Steel hiện là nhà sản xuất thép lớn thứ tư thế giới trong khi US Steel có quy mô đứng thứ 24. Được biết US Steel - có trụ sở chính tại bang Pennsylvania - từng kiểm soát phần lớn sản lượng thép của nước Mỹ, nhưng hiện là nhà sản xuất thép lớn thứ ba của xứ cờ hoa.
Trụ sở tập đoàn Nippon Steel tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: REUTERS |
Quyết định của Tổng thống Biden cũng đã cắt đứt nguồn vốn quan trọng cho US Steel. Tập đoàn thép biểu tượng của Mỹ, vốn đang gặp khó khăn, đã tuyên bố sẽ phải đóng cửa các nhà máy chính nếu không có khoản đầu tư gần 3 tỉ USD từ Nhật Bản.
Còn Nippon Steel lập luận rằng việc mua lại US Steel sẽ giúp khôi phục ngành công nghiệp thép của Mỹ, qua đó mang lại lợi ích cho người lao động nước này. Nếu thỏa thuận được thông qua, Nippon Steel sẽ rót khoản đầu tư hơn 2,7 tỉ USD, đồng thời đảm bảo người Mỹ vẫn nắm các vị trí quản lý cũng như Hội đồng quản trị của US Steel.
Nippon Steel đã đặt mục tiêu tăng công suất sản xuất toàn cầu của hãng lên 85 triệu tấn/năm, từ mức 65 triệu tấn/năm hiện nay, hướng đến mục tiêu dài hạn là 100 triệu tấn/năm.Tuy nhiên, cả Tổng thống Biden và Tổng thống đắc cử Donald Trump đều cho rằng US Steel nên thuộc sở hữu của người Mỹ. Tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã hối thúc ông Biden chấp thuận vụ sáp nhập để tránh làm suy yếu những nỗ lực gần đây nhằm tăng cường quan hệ song phương.
Nippon Steel và US Steel nói gì? Theo Hãng tin AFP, động thái của ông Biden đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ cả US Steel và Nippon Steel. Trong khi đó, công đoàn của các công nhân ngành thép United Steelworkers đã nhanh chóng hoan nghênh quyết định của ông Biden. "Tuyên bố và sắc lệnh của Tổng thống Biden không đưa ra bất kỳ bằng chứng đáng tin cậy nào về vấn đề an ninh quốc gia, cho thấy rõ ràng rằng đây là một quyết định chính trị" - Nippon Steel và US Steel nêu trong tuyên bố chung. Hai công ty này tuyên bố sẽ "thực hiện mọi hành động thích hợp" để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. |
Theo Tuoitre.vn