Ngày 18/12, sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định cắt giảm lãi suất lần thứ ba liên tiếp kể từ tháng 9/2024, song phát đi tín hiệu cho thấy tốc độ giảm chi phí đi vay sẽ chậm lại trong thời gian tới, do tỉ lệ thất nghiệp tương đối ổn định và tình hình lạm phát gần đây không có nhiều cải thiện.
Chủ tịch Fed Jerome Powell trong cuộc họp ngày 18/12. Ảnh: Reuters |
Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã bỏ phiếu thông qua quyết định cắt giảm lãi suất ở mức 0,25% với tỉ lệ 11 phiếu thuận và 1 phiếu chống, qua đó đưa lãi suất ký quỹ liên bang xuống phạm vi 4,25-4,50%. Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland - bà Beth Hammack - đã bỏ phiếu chống đối với quyết định này và muốn giữ nguyên lãi suất.
Trong tuyên bố chính sách sau cuộc họp, Fed đánh giá hoạt động kinh tế của Mỹ tiếp tục mở rộng với tốc độ vững chắc, khi tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp và lạm phát vẫn ở mức cao. Cơ quan này cũng cho biết sẽ đánh giá một cách thận trọng đối với dữ liệu đầu vào, triển vọng và sự cân bằng của các rủi ro khi xem xét phạm vi và thời điểm điều chỉnh lãi suất chính sách trong thời gian tới.
Theo TTXVN, trong bản cập nhật dự báo tình hình kinh tế được đưa ra sau cuộc họp, Fed đã nâng nhẹ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ năm 2025 lên mức 2,1%, đồng thời kỳ vọng tỉ lệ thất nghiệp sẽ ở mức 4,3%. Dự báo tỉ lệ lạm phát trung bình vào cuối năm 2025 được nâng lên mức 2,5%, cao hơn so với mức 2,1% được đưa ra hồi tháng 9. Các nhà hoạch định chính sách cũng nâng ước tính về lãi suất trung bình dài hạn lên mức 3,0%, từ mức 2,9% được dự báo trước đó.
Trong khi đó, dữ liệu giá tiêu dùng gần đây đã làm dấy lên mối quan ngại cho rằng lạm phát có thể đang vẫn ở trên mức mục tiêu 2%, khiến một số nhà hoạch định chính sách của Fed muốn làm chậm tốc độ cắt giảm lãi suất. Ngân hàng trung ương Mỹ dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn trong năm tới với khoảng 2 lần cắt giảm 0,25 điểm phần trăm, để đưa lãi suất chuẩn về phạm vi 3,75-4,0% vào cuối năm 2025.
Cũng trong ngày 18/12, Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu ghi nhận thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này đã lên đến mức cao kỷ lục trong quý III/2024 do nhập khẩu tăng mạnh, khiến một số nhà kinh tế đưa ra cảnh báo về những nguy cơ đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới trong bối cảnh ngân sách chính phủ tiếp tục thâm hụt lớn.
Thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ - thước đo dòng hàng hóa, dịch vụ và đầu tư vào và ra khỏi đất nước - đã tăng 35,9 tỷ USD, tương đương 13,1%, lên mức cao kỷ lục 310,9 tỷ USD trong quý III/2024. Thâm hụt tài khoản vãng lai chiếm 4,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mức cao nhất kể từ quý I/2022, cao hơn so với mức 3,7% của quý II/2024.
Nhập khẩu hàng hóa tăng 23,7 tỷ USD, lên 837,2 tỷ USD - mức cao nhất kể từ quý II/2022, được thúc đẩy chủ yếu bởi nhập khẩu tư liệu sản xuất, như phụ kiện máy tính, thiết bị ngoại vi, linh kiện, máy phát điện, thiết bị điện và máy tính. Hàng tiêu dùng nhập khẩu cũng tăng, tập trung vào các sản phẩm y tế, nha khoa và dược phẩm. Trong khi đó, xuất khẩu chỉ tăng 13,6 tỷ USD, lên mức 530,0 tỷ USD, chủ yếu là các mặt hàng như chất bán dẫn, phụ kiện máy tính, thiết bị ngoại vi và linh kiện, máy bay dân dụng.
Thâm hụt thương mại hàng hóa của nền kinh tế Mỹ cũng lên đến 307,3 tỷ USD trong quý III/2024 - mức cao nhất kể từ quý II/2022.
Mặc dù mức thâm hụt tài khoản vãng lai hiện không ảnh hưởng nhiều đến đồng USD, nhờ vào vị thế là đồng tiền dự trữ, song các nhà kinh tế cảnh tình hình có thể thay đổi nếu xu hướng này được duy trì.
Trong khi đó, thâm hụt ngân sách của Mỹ đã lên đến 1.833 tỷ USD trong năm tài chính 2024 (1/10/2023 - 30/9/2024), mức cao nhất sau đại dịch COVID-19 và tăng 8% so với năm tài chính 2023.
Chứng khoán Mỹ "đỏ sàn" sau quyết định hạ lãi suất của Fed
Quyết định hạ lãi suất lần thứ 3 liên tiếp của Fed đã tác động trực tiếp tới các sàn giao dịch chứng khoán khi hàng loạt mã chủ chốt đồng loạt lao dốc.
Chốt phiên giao dịch ngày 18/12, chỉ số công nghiệp Dow Jones ghi nhận ngày sụt giảm mạnh nhất trong hơn 4 tháng khi "bốc hơi" 1.123,03 điểm (tương đương 2,6%) xuống còn 42.326,87 điểm. Mã blue-chip này cũng giảm phiên thứ 10 liên tiếp, ghi nhận chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 10/1974. Chỉ số chứng khoán S&P 500 giảm 178,45 điểm (tương đương gần 3%) và chốt phiên ở mức 5.872,16 điểm. Trong khi đó, mã Nasdaq Composite cũng giảm 716.37 (gần 3,6%) xuống còn 19.392,69. Theo dữ liệu thị trường, đây là ngày giảm điểm lớn nhất đối với chỉ số công nghiệp này kể từ ngày 24/7.
Sắc đỏ cũng lan sang sàn giao dịch dầu mỏ khi kết thúc phiên giao dịch cùng ngày, giá dầu thô giao tháng 1/2025 giảm 0,7% xuống còn 69,53 USD/thùng; trong khi dầu Brent cũng giảm 0,27% còn 72,99 USD/thùng. Trên thị trường kim loại màu, giá vàng giao sau giảm nhẹ 1,92% xuống còn 2.602,4 USD/ounce.
Theo Chinhphu.vn