Các bộ trưởng Bộ Ngoại giao G7 nhóm họp tại Ý trong 2 ngày 25 và 26/11 để thảo luận với các đối tác khu vực về tình hình Trung Đông và Ukraine.
G7 là Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới, gồm Canada, Mỹ, Anh, Ý, Pháp, Đức, Nhật Bản.
Các bộ trưởng G7 cũng thảo luận về lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và ông Mohammed Deif, chỉ huy quân sự của nhóm vũ trang Hamas, cũng như những tác động có thể đối với cuộc xung đột hiện nay ở Lebanon và Dải Gaza.
Khói bốc lên từ vùng ngoại ô phía Nam Beirut - Lebanon sau một cuộc không kích của Israel hôm 25/11. Ảnh: REUTERS |
Ngày họp đầu tiên dành cho tình hình ở Trung Đông và biển Đỏ, đặc biệt là nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza và Lebanon. Cuộc thảo luận còn có sự tham gia của các bộ trưởng từ Ả Rập Saudi, Ai Cập, Jordan, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Qatar và Tổng Thư ký Liên đoàn Ả Rập tham gia các cuộc thảo luận về tình hình Trung Đông.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Ý Antonio Tanjani cho biết sự hiện diện của các đối tác nói trên nhằm thúc đẩy đối thoại với G7 và tìm kiếm giải pháp cụ thể mang lại hòa bình và ổn định cho Trung Đông.
Trước thềm cuộc gặp, một nguồn tin tại khu vực này nói với đài CNN rằng thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và lực lượng Hezbollah tại Lebanon "đến gần hơn bao giờ hết". Trong khi đó, tờ Times of Israel cho biết Israel đã "đồng ý về nguyên tắc" đối với lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian này, sau khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu tiến hành các cuộc tham vấn cấp cao về vấn đề này.
Tờ Haaretz đưa tin đề xuất gồm 3 giai đoạn: Lệnh ngừng bắn và Hezbollah sau đó rút lực lượng về phía Bắc sông Litani; Israel rút quân khỏi miền Nam Lebanon; Israel và Lebanon đàm phán về phân định các khu vực biên giới tranh chấp. Một cơ quan quốc tế do Mỹ đứng đầu sẽ được giao nhiệm vụ giám sát lệnh ngừng bắn.
Vào cuối tuần trước, đặc phái viên Mỹ Amos Hochstein nói với các quan chức Israel rằng đây là cơ hội cuối cùng để tiến tới thỏa thuận. Nếu không chấp thuận, cả Israel và Hezbollah sẽ phải đợi cho đến khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025 và nỗ lực làm trung gian của Mỹ được nối lại.
Trong ngày 26/11, hội nghị G7 sẽ chuyển sang cuộc khủng hoảng Ukraine với sự hiện diện của Bộ trưởng Ngoại giao Andriy Sybiga của nước này. Nội dung chính của cuộc họp là vấn đề tiếp tục hỗ trợ Ukraine, triển vọng hòa bình và các sáng kiến tái thiết trong tương lai.
Cùng ngày, tại thủ đô Brussels - Bỉ, đại sứ các nước NATO và Ukraine sẽ thảo luận về việc Nga bắn một tên lửa siêu vượt âm tầm trung vào Ukraine.
Ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin, hôm 25/11 cho biết Nga ghi nhận đội ngũ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang nói về một kế hoạch hòa bình tiềm năng cho Ukraine, trong khi chính quyền hiện tại của Tổng thống Joe Biden lại đang tìm cách "làm leo thang" cuộc xung đột.
Cũng theo ông Peskov, Tổng thống Vladimir Purin đã nhiều lần phát tín hiệu rằng Nga sẵn sàng đối thoại về vấn đề Ukraine.
Theo NLĐO