Trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Trung Đông, ngày 2/10, nhiều quốc gia đã khuyến cáo công dân rời khỏi các nước Iran và Liban.
Những tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut, Liban, ngày 28/9/2024. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Bộ ngoại giao Đức đã kêu gọi công dân nước này rời khỏi Iran ngay lập tức, do lo ngại tình hình bất ổn và có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Litva kêu gọi công dân nước này rời khỏi Liban trong khi các chuyến bay thương mại vẫn còn hoạt động, lưu ý rằng một số hãng hàng không đã tạm thời dừng các chuyến bay đến sân bay Beirut và các chuyến bay khác có thể bị hủy.
Bộ ngoại giao Cộng hòa Séc kêu gọi các công dân đang ở trên lãnh thổ Iran theo dõi tình hình, tránh tham gia các cuộc tụ tập đông người và rời khỏi đất nước này ngay sau khi không phận mở cửa. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles cũng cho biết nước này sẽ điều 2 máy bay quân sự để sơ tán 350 công dân khỏi Liban, sớm nhất vào ngày 3/10.
Rosaviatsia - Cơ quan hàng không liên bang Nga - đã ra khuyến cáo về khung giờ có thể bay qua không phận Israel, Iran và Iraq. Ngày 3/10, khung giờ được khuyến cáo có thể bay là từ 9h đến 19h theo giờ Moscow. Rosaviatsia cũng đưa ra khuyến cáo về các biện pháp an toàn trong khi thực hiện các chuyến bay tới Trung Đông.
Tại châu Á, ngày 2/10, Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA) đã nhắc lại lời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và bảo vệ người dân đồng thời cảnh báo cuộc xung đột này có nguy cơ lan rộng trong khu vực.
Trong một tuyên bố, bộ trên lưu ý điều quan trọng là ngăn cuộc xung đột lan rộng hơn trong khu vực đồng thời kêu gọi giải quyết mọi vấn đề thông qua đối thoại và ngoại giao.
MEA cũng khuyến cáo công dân Ấn Độ tránh tất cả các chuyến đi không cần thiết tới Iran. Những người hiện đang cư trú tại Iran được yêu cầu luôn cảnh giác và giữ liên lạc với Đại sứ quán Ấn Độ tại Tehran.
Trong khi đó, ngày 2/10, Bộ Ngoại giao Malaysia bày tỏ tình đoàn kết với Liban và tham gia lời kêu gọi chung của cộng đồng quốc tế về một lệnh ngừng bắn khẩn cấp để ngăn chặn thảm họa nhân đạo ở Liban.
Bộ trên nhấn mạnh điều quan trọng là tất cả các bên không làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã căng thẳng trong khu vực.
Bộ Ngoại giao, thông qua Đại sứ quán Malaysia tại Beirut, đang thực hiện các bước để sơ tán nhóm khoảng 15 công dân ước này tại Liban cùng người thân.
Trung Đông bên bờ vực chiến tranh khu vực
Truyền thông Israel đã trích dẫn các nguồn tin quân đội nước này cảnh báo Israel sẽ tiến hành các đòn tấn công mạnh mẽ trên khắp Trung Đông nhằm đáp trả bước đi của Iran. Trong khi nhấn mạnh Iran không muốn leo thang căng thẳng, chính quyền ở Tehran lại hoàn toàn không e ngại nếu phải chiến tranh.
Một nhà hàng bị hư hại sau vụ phóng tên lửa từ Iran, tại Tel Aviv, Israel, ngày 1/10. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Tuyên bố của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cho biết vụ tấn công vào Israel trong đêm 1/10 đánh dấu lần đầu tiên nước này sử dụng tên lửa siêu thanh trong một chiến dịch quân sự trên thực tế. Tên lửa siêu thanh là loại vũ khí đặc biệt tối tân, được cho có thể đạt tới tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Tổng thống Iran nhấn mạnh đây mới chỉ là một phần nhỏ trong năng lực quân sự của nước này.
Iran tuyên bố sẽ không tiến hành thêm các cuộc tấn công nếu Israel không có các hành động đáp trả. Mặc dù vậy, lực lượng Houthi trong ngày 2/10 cho biết đã phóng 3 tên lửa hành trình vào sâu trong lãnh thổ Israel, làm dấy lên nguy cơ một cuộc tấn công liên hoàn, đa mặt trận nhằm vào Israel. Trong khi đó, Israel khẳng định Iran đã vượt qua giới hạn đỏ và Israel sẽ không chấp nhận ngồi im, sớm buộc Iran phải trả giá đắt cho các hành động của mình.
Đây là lần thứ 2 Iran tiến hành không kích Israel. Cuộc không kích mới nhất đã bị đẩy lên một bậc nếu so với cuộc không kích hồi tháng 4 năm nay. Theo đó, Tehran lần này đã sử dụng những tên lửa siêu thanh tối tân như một thông điệp thị uy sức mạnh quân sự của mình gửi tới Israel. Một số nguồn tin tại Trung Đông cho hay quân đội Israel đang lên kế hoạch cho phương án trả đũa Iran ngay trong những ngày tới, trong đó có cả kịch bản tấn công vào các cơ sở hạt nhân, dầu mỏ và một số cơ sở hạ tầng chiến lược khác của Iran.
Tình hình khu vực Trung Đông đang được đánh giá là cực kỳ nguy hiểm khi leo thang nối tiếp leo thang. Tình hình hiện nay phụ thuộc rất lớn vào việc Israel sẽ đáp trả Iran như thế nào. Iran đã cho thấy họ không muốn bị cuốn vào một cuộc chiến tranh toàn diện với Israel, ít nhất là ở bình diện công khai. Có thể thấy điều này trong cuộc tấn công vừa qua, trong đó Iran đã chủ động giới hạn các cuộc không kích vào một số mục tiêu quân sự, cố gắng không gây ra thường vong và cũng vạch ra một giới hạn đỏ ngày sau cuộc tấn công.
Điều đáng lo ngại hiện nay là nếu Israel đáp trả ngay trong những ngày tới đây, Trung Đông sẽ bị đẩy vào một vòng xoáy "ăn miếng trả miếng". Đây sẽ là kịch bản xấu nhất. Tuy nhiên, ngay cả khi một cuộc chiến Israel - Iran không thực sự diễn ra, tình hình tại Lebanon được cho cũng sẽ rất đáng lo ngại trong những ngày tới đây.
Nếu căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao, Iran và Israel không tiến hành một cuộc chiến công khai, lực lượng Hezbollah tại Lebanon nhiều khả năng sẽ chính là trung tâm của các cuộc xung đột tại Trung Đông, cụ thể là trung tâm của một cuộc đối đầu giữa Israel - Iran trong thời gian tới đây.
Theo Chinhphu.vn