Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã thống nhất gia hạn các mức cắt giảm sản lượng tới cuối năm 2025 nhằm hỗ trợ giá mặt hàng này. Được đưa ra trong bối cảnh giá dầu giao dịch ở mức gần 80 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với mức mà nhiều thành viên OPEC+ cần để cân bằng ngân sách, trong khi tồn tại lo ngại tăng trưởng chậm về nhu cầu dầu mỏ gây áp lực lên triển vọng giá dầu, quyết định của OPEC+ được hy vọng sẽ là “liệu pháp” hữu hiệu nhằm tiếp tục nỗ lực hỗ trợ giá dầu và cân bằng thị trường “vàng đen”.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutterstock) |
Thông báo đưa ra sau cuộc họp chính sách định kỳ 6 tháng của OPEC+ nêu rõ, nhóm gồm 22 thành viên (12 nước OPEC và 10 nước đối tác) đã quyết định gia hạn các mức cắt giảm, bắt đầu từ ngày 1/1/2025 đến 31/12/2025. Với vai trò quan trọng trong việc cân bằng thị trường dầu mỏ, các thành viên OPEC+ đã thực hiện một loạt đợt cắt giảm sản lượng sâu kể từ cuối năm 2022 để hỗ trợ giá dầu.
Các thành viên OPEC+ hiện cắt giảm sản lượng tổng cộng 5,86 triệu thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 5,7% nhu cầu toàn cầu, thông qua việc cắt giảm sản lượng toàn nhóm và tự nguyện cắt giảm bổ sung. Số lượng cắt giảm này gồm 2 triệu thùng/ngày của tất cả các thành viên OPEC+, đợt cắt giảm tự nguyện đầu tiên của 9 thành viên là 1,66 triệu thùng/ngày và đợt cắt giảm tự nguyện thứ hai của 8 thành viên là 2,2 triệu thùng/ngày.
Theo quyết định mới, OPEC+ gia hạn đợt cắt giảm đầu tiên từ cuối năm 2024 đến cuối năm 2025. Các nguồn tin của OPEC+ cho biết, nhóm cũng nhất trí gia hạn đợt cắt giảm tự nguyện thứ ba đến quý III/2024. Các quốc gia thực hiện cắt giảm tự nguyện đợt hai là Algeria, Iraq, Kazakhstan, Kuwait, Oman, Nga, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Gabon. Cũng các quốc gia này, ngoại trừ Gabon, tham gia đợt thứ ba.
Việc OPEC+ duy trì cắt giảm sản lượng do lo ngại nhu cầu “vàng đen” giảm sút khi các nền kinh tế lớn phải vật lộn với lãi suất cao, trong khi lượng dầu dự trữ tăng ở các nền kinh tế phát triển. Thời gian qua, việc Mỹ tăng sản xuất và xuất khẩu đã hỗ trợ ổn định giá cả, đồng thời bù đắp cho tác động từ việc cắt giảm sản lượng của OPEC+. Trong khi đó, Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đang có những thay đổi về cơ cấu nền kinh tế có thể khiến nước này giảm bớt nhu cầu dầu mỏ.
Bà Kaynat Chainwala, chuyên gia phân tích của hãng Kotak Securities dự báo, giá dầu thô sẽ dao động trong khoảng 70-90 USD/thùng vào nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, bà cho rằng mặc dù nhu cầu dầu sẽ tăng kể từ tháng 6, nhưng giá dầu sẽ khó có khả năng tăng trên mức 100 USD/thùng, do tác động của lãi suất cao và cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ.
Trong khi đó, một số công ty môi giới dầu mỏ dự đoán giá dầu thô có thể sẽ duy trì trong khoảng 79-85 USD/thùng cho đến hết quý II/2024. Ngân hàng JP Morgan dự đoán giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 84 USD/thùng từ nay đến cuối năm và 75 USD/thùng vào năm 2025.
Với quyết định trên của OPEC+, nguồn cung dầu mỏ được dự báo sẽ bị thắt chặt trong nửa cuối năm nay, trong khi nhu cầu dầu mỏ tăng mạnh vào mùa hè có thể làm giảm lượng tồn kho dầu thô. Nguồn cung dầu mỏ trên thị trường hạn hẹp dẫn đến áp lực tăng giá có thể xảy ra.
Một trong những tác động tức thời của quyết định này là sẽ hỗ trợ giá dầu trong ngắn hạn. OPEC+ muốn bảo đảm rằng giá dầu không giảm quá thấp, có thể gây tổn hại cho nền kinh tế của các quốc gia thành viên. Ngoài ra, OPEC+ cũng giúp củng cố tâm lý thị trường và khuyến khích đầu tư vào ngành dầu khí. Về dài hạn, quyết định đánh dấu sự thay đổi trong chiến lược của OPEC+.
Trong quá khứ, OPEC+ thường phản ứng nhanh chóng với những thay đổi về nhu cầu bằng cách điều chỉnh sản lượng. Tuy nhiên, quyết định gia hạn cắt giảm sản lượng cho đến năm 2025 cho thấy OPEC+ đang có tầm nhìn dài hạn hơn và muốn bảo đảm sự ổn định cho thị trường dầu mỏ. Ngoài ra, việc cắt giảm sản lượng có thể khiến một số nhà sản xuất dầu mỏ có chi phí sản xuất cao phải đóng cửa, dẫn đến sự thay đổi trong cơ cấu thị trường dầu mỏ, qua đó thúc đẩy đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Tuy nhiên, quyết định của OPEC+ dự báo sẽ có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu bởi việc tiếp tục giảm sản lượng có thể khiến giá dầu tăng cao, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà sản xuất dầu mỏ, nhưng lại làm tăng chi phí vận chuyển và sản xuất, ảnh hưởng tới giá hàng hóa và tiêu dùng.
Theo giới phân tích, quyết định mới đây về gia hạn cắt giảm sản lượng của OPEC+ vừa giúp duy trì giá dầu ở mức hợp lý, vừa bảo đảm sự cân bằng của thị trường. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn một số rủi ro như giá dầu cao hơn có thể cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu và việc cắt giảm sản lượng có thể dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nếu nhu cầu tăng cao hơn dự kiến. Trong khi đó, sự bất ổn về địa chính trị tại Trung Đông cũng có thể làm gia tăng tình trạng không chắc chắn trên thị trường vàng đen.
Theo Nhandan.vn