Đương kim Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 khi giành được 89,6% số phiếu ủng hộ.
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi trong cuộc họp báo ở Cairo. Ảnh: AFP |
Với chiến thắng này, ông sẽ tiếp tục nắm quyền điều hành đất nước đến giữa năm 2030, trong bối cảnh Ai Cập đang đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế và không ít thách thức trong một khu vực đầy biến động.
Theo thông báo chính thức do Cơ quan Bầu cử Quốc gia Ai Cập (NEA) công bố chiều 18/12 (giờ địa phương), gần 44,7 triệu cử tri trong khoảng 67 triệu cử tri đủ điều kiện đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 diễn ra từ ngày 10-12/12. Kết quả cho thấy ông El-Sisi đã nhận được 39,7 triệu phiếu bầu (tương đương 89,6%).
Trong khi đó, các ứng cử viên còn lại là Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội Ai Cập Farid Zahran, Chủ tịch đảng Al Wafd Abdel-Sanad Yamama và Chủ tịch đảng Nhân dân Cộng hòa Hazem Omar lần lượt giành được 4%, 1,9% và 4,5% số phiếu.
Đây là kết quả không bất ngờ, vì uy tín và những thành tựu đạt được trong 2 nhiệm kỳ qua đã giúp Tổng thống El-Sisi nhận được sự tín nhiệm cao của cử tri Ai Cập.
Trong 2 nhiệm kỳ tổng thống từ năm 2014 đến nay, Tổng thống El-Sisi đã đưa Ai Cập trở lại con đường ổn định sau 2 cuộc chính biến lật đổ 2 đời tổng thống vào các năm 2011 và 2013.
Từng là nạn nhân của làn sóng "Mùa Xuân Arab" năm 2011, Ai Cập đã vượt qua giai đoạn bất ổn nghiêm trọng và làn sóng tấn công khủng bố trong giai đoạn 2016-2018.
Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống El-Sisi, tình hình an ninh-chính trị nội bộ cũng như đời sống xã hội của Ai Cập được giữ vững, trong bối cảnh khu vực Bắc Phi-Trung Đông vẫn đang chứng kiến một loạt cuộc xung đột và bất ổn chính trị.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ 6 năm tới, ông El-Sisi sẽ phải đương đầu với không ít thách thức khi nền kinh tế đất nước vẫn đang gặp khó khăn và những diễn biến địa chính trị trong khu vực Bắc Phi-Trung Đông đầy bất ổn đang là mối đe dọa an ninh rất nghiêm trọng đối với Ai Cập.
Trong thời gian tới, Tổng thống El-Sisi cũng sẽ phải thực hiện các chính sách và giải pháp hiệu quả và kịp thời để đưa Ai Cập thoát khỏi khó khăn hiện nay, đặc biệt là giải quyết tình trạng thiếu hụt ngoại tệ và lạm phát leo thang.
Theo giới chuyên gia, trong chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030, chính phủ cần chú trọng thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước, tạo việc làm, có các cơ chế khuyến khích xuất khẩu, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như bảo đảm an sinh xã hội.
Đặc biệt, Tổng thống El-Sisi cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố nhằm giữ vững an ninh quốc gia, cũng như tiếp tục khẳng định vai trò và ảnh hưởng của Ai Cập như một trụ cột an ninh trong khu vực.
Theo Nhandan.vn/TTXVN