Ngày 16/10, Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) đã bỏ phiếu thông qua lần thứ nhất việc hủy bỏ Hiệp ước Cấm thử vũ khí hạt nhân Toàn diện (CTBT) vì lý do đảm bảo an ninh quốc gia.
Hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-24 Yars của Nga. (Ảnh minh họa: AP) |
Theo Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin, mặc dù Nga đã phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện (CTBT) vào năm 2000 nhưng Mỹ cho tới nay vẫn không phê chuẩn hiệp ước này. Ông Volodin nhấn mạnh, Nga sẽ làm mọi thứ để "bảo vệ công dân của mình và duy trì sự bình đẳng chiến lược toàn cầu".
"Khi Nga phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện (CTBT) vào năm 2000, Mỹ không hành động tương tự bởi nước này có thái độ vô trách nhiệm với các vấn đề an ninh toàn cầu", Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin cho biết, trước khi cơ quan này bắt đầu tranh luận và bỏ phiếu về quyết định rút khỏi CTBT.
Ông Volodin tuyên bố, Nga sẽ làm mọi việc "để bảo vệ người dân và duy trì sự bình đẳng chiến lược toàn cầu". "Chúng tôi sẽ hủy phê chuẩn CTBT nhằm đảm bảo an ninh quốc gia", Chủ tịch Hạ viện Nga nói.
Nga là một trong những nước đầu tiên ký tham gia CTBT và quốc hội nước này phê chuẩn hiệp ước vào năm 2000.
Theo ông Volodin, dù hủy phê chuẩn CTBT, Nga vẫn sẽ là một bên ký tham gia hiệp ước và tiếp tục hợp tác với Tổ chức Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện (CTBTO) cùng hệ thống giám sát toàn cầu.
Giới chức Nga lưu ý, việc hủy động thái trên không đồng nghĩa Nga chuẩn bị thử bom hạt nhân. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov vào ngày 10/10 nói Nga sẽ chọn lập trường tương tự Mỹ về vấn đề, thông tin thêm rằng Washington đang thực hiện công việc chuẩn bị ở bãi thử hạt nhân bang Nevada.
Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện (CTBT) đã được 187 quốc gia ký kết, theo đó cấm các vụ thử hạt nhân với mục đích dân sự và quân sự, áp dụng với mọi môi trường. Tuy nhiên, hiệp ước chưa có hiệu lực do 8 quốc gia chưa phê chuẩn, trong đó có Mỹ, Ai Cập, Israel, Iran và Trung Quốc, còn Triều Tiên, Ấn Độ và Pakistan không tham gia.
Theo VTV.vn