Sau ba tháng bế tắc chính trị, ông Srettha, ứng cử viên Thủ tướng của liên minh do đảng Vì nước Thái lãnh đạo, đã chính thức trở thành Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan.
Tân thủ tướng Thái Lan, ông Srettha Thavisin - Ảnh: AFP |
Ngay sau khi được bầu, ông Srettha đã cam kết làm việc hết mình và trung thực vì lợi ích tối đa của đất nước và người dân Thái Lan, mang lại sự đoàn kết cho đất nước và thúc đẩy các chính sách nhằm giải quyết khủng hoảng để đưa đất nước tiến lên.
Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi nhận được lệnh của Hoàng gia bổ nhiệm làm Thủ tướng mới của Thái Lan, ông Srettha Thavisin cam kết biến Thái Lan thành vùng đất của hy vọng và hạnh phúc cho mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội.
Tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin nói: "Tôi hứa rằng chính phủ dưới sự lãnh đạo của đảng Vì nước Thái sẽ làm việc chăm chỉ để giảm bớt sự khó khăn, tạo ra hạnh phúc và mang lại sự thịnh vượng cho người dân Thái lan một cách rộng rãi và bình đẳng".
Thái Lan sẽ một lần nữa trở thành miền đất hy vọng cho thế hệ mới, miền đất hạnh phúc cho mọi lứa tuổi, một đất nước với phẩm giá và danh dự trên trường quốc tế. Theo tân Thủ tướng, chính phủ của ông có một loạt chính sách để giải quyết và xử lý các cuộc khủng hoảng liên quan đến nền kinh tế, phúc lợi của người dân, an ninh, xã hội, môi trường và tham nhũng, đưa đất nước tiến lên. Thủ tướng Srettha cũng nhấn mạnh, chính phủ của ông sẽ làm việc vì toàn thể nhân dân.
"Tôi tin tưởng rằng 4 năm tới sẽ có nhiều thay đổi, Thái Lan đang ở thời điểm quan trọng. Chúng ta có những khủng hoảng và vấn đề cần giải quyết nhanh chóng".
Tân Thủ tướng Thái Lan cũng kêu gọi người dân cùng chung tay với Chính phủ trong nỗ lực củng cố vai trò và vị thế lớn hơn của "Xứ sở chùa Vàng" trên trường quốc tế. Sau khi được Nhà Vua Thái Lan phê chuẩn, tân Thủ tướng Srettha sẽ cần nhanh chóng hoàn thành việc đề xuất danh sách nội các mới để ông và toàn thể thành viên nội các có thể sớm tuyên thệ nhậm chức, qua đó chính thức tiếp quản quyền điều hành đất nước.
Với những cam kết đầy quyết tâm trong việc kích thích kinh tế, đảm bảo công bằng xã hội và quản trị tốt, người dân Thái Lan đang đặt nhiều kỳ vọng vào sự lãnh đạo của nhà chính trị 60 tuổi Srettha Thavisin.
Ông Atthaya Wanpuy - Người dân Thái Lan nói: "Tôi tin tưởng 80% rằng ông Srettha sẽ chèo lái đất nước tiến lên và thoát khỏi khủng hoảng kinh tế".
Thứ ba, ông Srettha và nội các mới phải đối mặt là thông qua ngân sách tài khóa 2024. Nếu không có ngân sách mới, chi tiêu chính phủ sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Ngoài ra, việc từng bước hiện thực hóa các cam kết khi tranh cử cũng là những thách thức không nhỏ đối với tân Thủ tướng Srettha, trong đó có việc tặng 10.000 baht (290 USD) tiền kỹ thuật số cho tất cả người Thái từ 16 tuổi trở lên.
Giải ngân 3.350 tỷ Baht (95,96 tỷ USD) cho ngân sách trong tài khóa 2024 sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của tân Thủ tướng Srettha. Bởi không có ngân sách mới, chi tiêu chính phủ sẽ bị hạn chế và cản trở hoạt động đầu tư các dự án mới.
Trước khi đắc cử, ông Srettha cũng đã đưa ra các ưu tiên của mình trong 100 ngày đầu tiên nắm quyền là giải quyết vấn đề chi phí sinh hoạt gia tăng, chấm dứt nghĩa vụ quân sự bắt buộc, đảm bảo bình đẳng hôn nhân cho các cặp đồng giới, soạn thảo hiến pháp mới đại diện cho ý nguyện của người dân.
Còn theo các chuyên gia kinh tế thì trong 100 ngày đầu tiên nắm quyền, tân Thủ tướng Sretthaphải tập trung vào việc giảm chi phí mức sinh hoạt và chi phí của khu vực tư nhân, bao gồm cả nhiên liệu. Các ưu tiên khác nên bao gồm hỗ trợ ngành công nghiệp du lịch trong mùa cao điểm cuối năm và tăng tốc giải ngân ngân sách.
Mặc dù không thể phủ nhận những chông gai phía trước, nhưng với việc kết nối được các đảng và bước đầu thành lập được chính phủ một cách suôn sẻ, Thủ tướng Srettha Thavisin đã cho thấy khả năng trở thành chất keo gắn kết đời sống chính trị, xã hội Thái Lan. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để bộ máy điều hành mới từng bước đưa nền kinh tế quan trọng của Đông Nam Á trở lại quỹ đạo phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực cho khu vực và toàn cầu.
Theo VTV.vn