Dù bạo loạn đã chấm dứt, Chính phủ Pháp lo ngại có thể bùng phát trở lại trong những ngày tới. Vì vậy, ngày 6/7, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin đã yêu cầu các tỉnh trưởng tăng cường các biện pháp an ninh phòng ngừa nguy cơ bạo lực tái diễn vào dịp lễ Quốc khánh 14/7.
Thiệt hại và mức độ nghiêm trọng của đợt bạo loạn vừa qua đã vượt quá kỷ lục của năm 2005. (Ảnh: Le Monde) |
Các lực lượng an ninh tại các địa phương phải tăng cường đấu tranh chống tàng trữ và sử dụng các hung khí gây bạo loạn như dao, búa và pháo hoa, nhất là ở những nơi đã xảy ra bạo loạn sau khi cảnh sát bắn chết một thiếu niên không chấp hành lệnh kiểm soát vào ngày 27/6.
Tình trạng bạo loạn, phá hoại và hôi của đã xảy ra trên khắp nước Pháp trong nhiều đêm, được lan truyền trên mạng xã hội. Để hạn chế thiệt hại, Chính phủ Pháp muốn giới hạn tạm thời các mạng xã hội trong trường hợp xảy ra bạo loạn.
Ngày 6/7, người phát ngôn chính phủ Olivier Véran đề cập khả năng "tạm khóa một số tính năng, như định vị trên một số nền tảng, giúp thanh niên tập trung ở một địa điểm". Theo ông Olivier Véran, đó là những lời kêu gọi tổ chức biểu lộ sự thù hận ở nơi công cộng, do vậy chính phủ "có thẩm quyền để có thể đình chỉ".
Trong buổi điều trần ngày 5/7 trước Ủy ban Luật của Thượng viện, Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin thông báo số liệu thống kê tạm thời về thiệt hại tại nhiều thành phố và thị trấn: 23.878 vụ đốt trên đường phố, 12.031 xe bị thiêu rụi, 105 tòa thị chính và 2.508 tòa nhà bị đốt hoặc bị phá, trong đó có 273 tòa nhà thuộc các lực lượng an ninh.
Các đối tượng gây bạo loạn còn tấn công 168 trường học và đe dọa 17 thị trưởng, trong đó nghiêm trọng nhất là vụ nhà riêng của Thị trưởng thành phố L’Hay-les-Roses ở ngoại ô Paris bị đâm xe và phóng hỏa. Còn cảnh sát đã nổ súng bắn chết thiếu niên gốc Bắc Phi, Nahel, ở thành phố Nanterre thuộc ngoại ô phía nam Paris, hiện vẫn bị tạm giam và bị khởi tố vì tội cố ý giết người.
Theo ước tính của Nghiệp đoàn giới chủ Pháp (MEDEF), các công ty và cơ sở thương mại bị thiệt hại hơn 1 tỷ euro do phá hoại và cướp của, chưa kể thiệt hại do phải đóng cửa không buôn bán được. Thành phố Marseille ở phía nam là một trong những thành phố bị thiệt hại nặng nề nhất với 400 cửa hàng bị phá hoại. Cảnh sát Pháp nhận định, những băng nhóm cướp phá rất có tổ chức, nhắm vào những mặt hàng có giá trị để hẹn nhau đi cướp.
Từ khi xảy ra các vụ bạo loạn, cảnh sát đã bắt thẩm vấn hơn 3.600 người, trong đó có gần 1.400 ở Paris và vùng phụ cận. Hiện còn 448 người vẫn bị tạm giữ. Tổng thanh tra Cảnh sát Quốc gia Pháp (IGPN) đã cho mở điều tra về 10 vụ, trong đó có 2 vụ nghiêm trọng làm một thanh niên hôn mê do bị thương nặng ở đầu và một người khác chết trong đêm 1/7.
Trước đó vào ngày 4/7, trong cuộc gặp với các thị trưởng của những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề do bạo loạn, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, sẽ huy động "những phương tiện đặc biệt" để bảo đảm một "trật tự bền vững", nhất là vào dịp lễ Quốc khánh 14/7.
Giải quyết làn sóng bạo lực là một thách thức rất lớn đối với Tổng thống Macron kể từ khi ông đắc cử vào năm 2017. Trong 6 năm qua, nước Pháp liên tiếp trải qua ba cuộc khủng hoảng gồm phong trào "áo vàng", phản đối cải cách hưu trí và bạo loạn xảy ra tuần qua.
Theo KHẢI HOÀN/Nhandan.vn