Sau tuyên bố tại cuộc họp báo vào rạng sáng 23/6 (giờ Việt Nam) rằng tàu lặn Titan đã phát nổ và khiến cả 5 người trên tàu thiệt mạng, cuộc tìm kiếm cứu nạn đã được thay thế bằng nhiệm vụ điều tra và trục vớt có thể kéo dài vô thời hạn.
Chiếc tàu lặn nói trên mất tích ngày 18/6 khi đang trên đường tham quan xác tàu Titanic. Con tàu được báo cáo ở dưới lâu hơn dự kiến khi ở vị trí cách đảo Newfoundland - Canada khoảng 700 km về phía Nam.
Chuẩn Đô đốc John Mauger của Lực lượng tuần duyên Mỹ cho biết cuộc điều tra sẽ tiếp tục ở khu vực xung quanh xác tàu Titanic, nơi các mảnh vỡ của tàu lặn Titan được tìm thấy ở độ sâu 4.000 m.
"Tôi biết có rất nhiều câu hỏi về việc làm thế nào, tại sao và khi nào chuyện này xảy ra? Đó là những câu hỏi mà chúng tôi sẽ thu thập càng nhiều thông tin càng tốt ngay bây giờ" - ông Mauger khẳng định, đồng thời nói đây là một "vụ việc phức tạp"ở vùng xa xôi của đại dương và có liên quan đến người của một số quốc gia.
Gợi ý đầu tiên về thời gian biểu của thảm họa đến từ một quan chức cấp cao của Hải quân Mỹ. Theo người này, sau khi tàu Titan mất tích, hải quân đã phân tích dữ liệu âm thanh và phát hiện "sự bất thường" phù hợp với một vụ nổ tại khu vực con tàu mất liên lạc.
Trong số nạn nhân có ông Stockton Rush (61 tuổi), Giám đốc điều hành của OceanGate Expeditions - công ty tổ chức chuyến đi và có trụ sở ở Mỹ - với vai trò thuyền trưởng.
Ngoài ra, các hành khách gồm tỉ phú người Anh Hamish Harding (58 tuổi); cựu quân nhân, nhà hải dương học kiêm chuyên gia tàu Titanic người Pháp Paul-Henri Nargeolet (77 tuổi); doanh nhân người Pakistan Shahzada Dawood (48 tuổi) và con trai Suleman Dawood (19 tuổi).
Các nạn nhân thiệt mạng trong thảm kịch tàu lặn Titan Ảnh: THE DAILY BEAST/REUTERS |
Các chuyên gia pháp lý cho biết giấy tờ miễn trừ trách nhiệm mà các hành khách trên ký khi tham quan xác tàu Titanic có thể không bảo vệ được chủ sở hữu con tàu khỏi các vụ kiện tiềm tàng từ gia đình nạn nhân.
Theo hãng tin Reuters, các thẩm phán có thể bãi bỏ hiệu lực của chúng nếu có bằng chứng về sự cẩu thả nghiêm trọng hoặc mối nguy hiểm không được thông báo đầy đủ.
Theo một số luật sư và chuyên gia luật hàng hải, nếu Công ty OceanGate Expeditions che giấu thông tin về tàu lặn hoặc sử dụng tàu bất chấp cảnh báo con tàu không phù hợp cho chuyến đi thì văn bản miễn trừ trách nhiệm có thể bị vô hiệu.
Các gia đình cũng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại từ bất kỳ bên liên quan nào chịu trách nhiệm thiết kế, giúp chế tạo hoặc chế tạo các bộ phận cho tàu nếu bị phát hiện đã sơ suất và góp phần dẫn đến vụ nổ.
Thảm kịch trên tiếp tục khiến 2023 là năm đầy khó khăn đối với ngành du lịch mạo hiểm, chuyên đáp ứng nhu cầu của khách hàng giàu có về các chuyến đi nhiều rủi ro - từ thám hiểm không gian, leo núi cao cho đến xuống đáy biển. Theo thống kê, 17 người thiệt mạng và nhiều người được cứu sống khi cố trèo lên đỉnh Everest ở Nepal từ đầu năm đến nay.
Ông Alain Grenier, nghiên cứu về du lịch rủi ro tại Trường ĐH Quebec (Canada), cho rằng: "Nếu chúng ta ban hành quy định, điều đó sẽ giết chết cảm giác phiêu lưu, vì vậy không có quy định nào được đưa ra".
Trong thảm kịch mới nhất nói trên, tàu lặn Titan chủ yếu thực hiện chuyến tham quan ở vùng biển quốc tế. Điều đó có nghĩa là tàu đã tránh được hầu hết các quy tắc an toàn của Mỹ.
Khi các chuyến du lịch mạo hiểm gặp sự cố và khách du lịch cần hỗ trợ khẩn cấp, những thành viên lực lượng phản ứng nhanh thường đối mặt với rủi ro đáng kể.
Ngoài những sự cố tai tiếng liên quan công ty du lịch, giới chuyên gia chỉ ra rằng nhiều du khách thực hiện chuyến thám hiểm một mình với độ rủi ro cao. Điều đáng nói là những du khách này thường thiếu kinh nghiệm hoặc thiết bị để thực hiện chuyến đi an toàn.
Theo ANH THƯ/NLĐO