Xung đột kéo dài khiến tình hình nhân đạo tại Sudan trở nên bi đát hơn bao giờ hết. Số người chết, bị thương hoặc buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn dự báo còn tiếp tục tăng, đe dọa đẩy quốc gia này vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.
Người dân sơ tán khỏi Sudan tới cửa khẩu biên giới Rafah ở phía nam Dải Gaza, ngày 28/4/2023. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Theo Liên hợp quốc, kể từ khi bùng phát giữa tháng 4 vừa qua, giao tranh giữa quân đội Sudan và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đã khiến ít nhất 700 người chết và hàng nghìn người bị thương, trong đó hầu hết là dân thường.
Thủ đô Khartoum và nhiều khu đô thị khác biến thành chiến trường do xung đột và hàng trăm nghìn người buộc phải rời bỏ nhà cửa.
Manahil Salah, một bác sĩ 28 tuổi trên chuyến bay sơ tán đến Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cho biết, mặc dù bản thân sống sót nhưng gia đình cô đã rơi vào cảnh ly tán vì người thân vẫn bị mắc kẹt tại Sudan.
Trong khi đó, ông Abdulkader, 75 tuổi, chia sẻ, ông may mắn được sơ tán đến UAE nhưng khung cảnh tang thương nơi quê nhà là nỗi đau mà không từ ngữ nào có thể diễn tả được.
Khói do giao tranh bốc lên tại Omdurman, Sudan, ngày 15/4/2023. Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, hàng trăm nghìn người Sudan đang tiếp tục tìm cách chạy trốn khỏi xung đột bằng thuyền, chuyến bay sơ tán hoặc trả tiền cho những chuyến bay thương mại đắt đỏ khởi hành từ sân bay duy nhất còn hoạt động trên đất nước.
Liên hợp quốc nhiều lần bày tỏ lo ngại về tác động trước mắt và lâu dài mà cuộc xung đột vũ trang hiện nay gây ra đối với người dân Sudan và toàn bộ khu vực.
Theo đó, ước tính số người phải sơ tán sang các nước láng giềng có thể lên tới 860.000 người và các tổ chức nhân đạo sẽ cần 445 triệu USD để giúp đỡ những đối tượng này.
Tuy nhiên, nguồn lực dành cho hoạt động hỗ trợ đang dần cạn kiệt, bởi ngay cả trước khi giao tranh bùng phát, hầu hết chiến dịch nhân đạo tại những nước láng giềng của Sudan đã rơi vào tình trạng thiếu tài chính nghiêm trọng và chỉ đáp ứng 15% nhu cầu cần thiết cho năm 2023.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths nhận định, tình hình nhân đạo tại Sudan đang chạm tới điểm giới hạn. Các nhu yếu phẩm cần thiết trở nên khan hiếm, nhất là ở thủ đô Khartoum. Chi phí di chuyển ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng nặng nề cũng tăng theo cấp số nhân, khiến những người dễ bị tổn thương nhất không thể rời đến nơi an toàn hơn.
Chương trình Lương thực Thế giới (WPF) nhận định, số người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng tại Sudan sẽ tăng từ 2 đến 2,5 triệu người, nâng tổng số lên 19 triệu người trong 3 đến 6 tháng tới.
Khó khăn chồng chất khó khăn khi nguy cơ bùng phát dịch bệnh tăng cao. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hơn 1 triệu liều vaccine bại liệt dành cho trẻ em đã bị tiêu hủy do cướp bóc tại Sudan.
Số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, đã có 28 cuộc tấn công vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe kể từ khi giao tranh nổ ra vào tháng 4 vừa qua. Hiện hơn 60% số cơ sở y tế tại Sudan phải đóng cửa.
WHO cảnh báo, nhiều người sẽ chết do dịch bệnh bùng phát và không được tiếp cận dịch vụ thiết yếu.
Trước thực trạng nêu trên, bên cạnh giải pháp thúc đẩy chấm dứt xung đột, cộng đồng quốc tế đang tiếp tục chung tay hỗ trợ người dân Sudan.
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc lên kế hoạch tổ chức phiên họp đặc biệt về tình hình tại Sudan vào ngày 11/5 tới.
Hiện đã có hơn 50 quốc gia ủng hộ tổ chức phiên họp này, trong bối cảnh cuộc xung đột khốc liệt đang đe dọa nghiêm trọng cuộc sống của người dân tại quốc gia Bắc Phi vốn nhiều năm chìm trong nghèo đói này.
Giới phân tích cho rằng, nếu cộng đồng quốc tế và các bên xung đột không nhanh chóng hành động, cuộc khủng hoảng nhân đạo sẽ ngày càng lan rộng, không chỉ làm chao đảo cuộc sống của người dân Sudan mà còn lan sang những nước láng giềng trong khu vực.
Theo TIẾN DŨNG/Nhandan.vn