Triển vọng kinh tế toàn cầu đang trở nên ảm đạm hơn những ngày gần đây khi các nền kinh tế đầu tàu của châu lục và thế giới như Đức, Trung Quốc, Mỹ đều đang hụt hơi, lâm vào suy thoái hoặc suy giảm tăng trưởng. Các yếu tố thuận lợi về thời tiết, việc Trung Quốc mở cửa trở lại... không đủ để đưa các nền kinh tế đầu tàu thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Đưa hàng lên các tàu chở hàng tại một bến container ở cảng Hamburg, Đức, ngày 18/7/2022. (Ảnh: Reuters) |
Nền kinh tế đầu tàu của châu Âu là Đức đã lâm vào suy thoái và triển vọng trong những tháng tới cũng khá ảm đạm. Văn phòng thống kê Liên bang (Destatis) vừa công bố số liệu cho biết GDP của nền kinh tế số một châu Âu đã giảm 0,3% trong quý I/2023.
Cùng với mức giảm 0,5% trong quý IV/2022, kinh tế Đức đã ghi nhận hai quý tăng trưởng âm liên tiếp và chính thức rơi vào suy thoái kỹ thuật.
Nền kinh tế đầu tàu của châu Âu là Đức đã lâm vào suy thoái và triển vọng trong những tháng tới cũng khá ảm đạm. Văn phòng thống kê Liên bang (Destatis) vừa công bố số liệu cho biết GDP của nền kinh tế số một châu Âu đã giảm 0,3% trong quý I/2023.
Kinh tế Đức suy yếu là do tác động từ lạm phát khiến các hộ gia đình chi tiêu ít hơn cho thực phẩm, đồ uống, quần áo, giày dép và đồ nội thất so với quý trước. Lượng ô-tô mới bán ra cũng giảm, một phần có thể là do chính phủ ngừng các gói trợ cấp từ cuối năm 2022. Cùng với nhu cầu hàng hóa yếu, chi tiêu của chính phủ cũng giảm trong ba tháng đầu năm.
Theo Viện nghiên cứu kinh tế Ifo, chỉ số môi trường kinh doanh đã giảm nhiều hơn dự kiến vào tháng 5, đánh dấu lần giảm đầu tiên sau sáu tháng tăng liên tiếp.
Nhà kinh tế Carsten Brzeski của ING đánh giá rằng, những yếu tố thuận lợi như thời tiết mùa đông ấm áp, hoạt động công nghiệp phục hồi sau khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại và nới lỏng chuỗi cung ứng... không đủ để đưa nền kinh tế đầu tàu này thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu suy thoái tiếp tục kéo dài, Đức sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế thật sự. Khi đó, tỷ lệ thất nghiệp và vỡ nợ sẽ gia tăng, hàng hóa ứ đọng, sản xuất đình đốn, thị trường chứng khoán và các ngân hàng sụp đổ… Tất cả sẽ tạo nên một kịch bản ác mộng cho nền kinh tế đầu tàu châu Âu.
Trong khi đó, nền kinh tế số một thế giới là Mỹ cũng đang bên bờ vực suy thoái. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cuối tuần qua dự báo, kinh tế Mỹ sẽ suy thoái nhẹ trong năm nay.
Các chuyên gia của FED dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Mỹ sẽ giảm tốc trong hai quý tới, sau đó GDP sẽ bắt đầu giảm nhẹ vào quý IV/2023 và quý I/2024.
Trong tài liệu chuẩn bị cho cuộc họp về chính sách lãi suất diễn ra vào đầu tháng 6, FED cho rằng các điều kiện tài chính bị thắt chặt sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái nhẹ bắt đầu vào cuối năm nay, sau đó nền kinh tế Mỹ có thể sẽ phục hồi với tốc độ vừa phải.
Các chuyên gia của FED dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Mỹ sẽ giảm tốc trong hai quý tới, sau đó GDP sẽ bắt đầu giảm nhẹ vào quý IV/2023 và quý I/2024.
Những thách thức chủ yếu mà nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phải đối mặt bao gồm tỷ lệ lạm phát cao, nguy cơ bất ổn tài chính, kinh tế toàn cầu tăng trưởng yếu và môi trường bên ngoài không thuận lợi…
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 26/5 nhận định rằng, tốc độ tăng trưởng chậm lại có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng nhẹ vào năm sau.
Trong khi đó, hiện nay các thành viên Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - vẫn bất đồng về những việc cần làm tiếp theo để đối phó những thách thức kinh tế. Một số ý kiến cho rằng cần phải tiếp tục củng cố các chính sách tại các cuộc họp sắp tới nhằm đẩy nhanh tiến trình kéo lạm phát trở về mức 2%.
Tuy nhiên, một số khác lại cho rằng nếu nền kinh tế tiếp tục phát triển theo xu hướng hiện tại thì việc củng cố các chính sách có thể không cần thiết.
Tại châu Á, nền kinh tế đầu tàu là Trung Quốc cũng đang tăng trưởng chậm lại và đối mặt không ít khó khăn, dù Trung Quốc vẫn được xem là động lực tăng trưởng quan trọng của châu lục và toàn cầu.
Phát biểu tại một hội nghị ở Bắc Kinh, Phó Giám đốc Văn phòng IMF phụ trách khu vực châu Á và Thái Bình Dương, ông Thomas Helbling cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể chịu tác động lớn nếu sự đứt gãy địa chính trị gia tăng. Nền kinh tế Trung Quốc vì thế có thể tăng trưởng chậm lại trong trung hạn.
Nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 4, trong khi xuất khẩu tăng chậm lại, cho thấy nhu cầu trong và ngoài nước vẫn ì ạch.
Số liệu Hải quan Trung Quốc công bố đầu tháng 5 cho thấy nhập khẩu của nước này trong tháng 4 giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm nhiều so với mức giảm 1,4% tháng trước đó. Xuất khẩu chỉ tăng 8,5%, cũng giảm so với mức tăng gần 15% trong tháng 3. Việc dòng chảy thương mại giảm mạnh làm dấy lên lo ngại về nhu cầu bên ngoài và rủi ro với kinh tế Trung Quốc.
Đặc biệt trong bối cảnh đà phục hồi tại nước này vẫn mong manh khi cả xuất khẩu và nhập khẩu đều từng chịu ảnh hưởng từ các biện pháp chống dịch và môi trường bên ngoài không thuận lợi.
Giới phân tích cho rằng, “niềm tin tăng trưởng” của kinh tế thế giới năm nay chủ yếu được đặt vào khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Đây vẫn được xem là khu vực năng động nhất trong các khu vực lớn trên thế giới vào năm 2023. Tăng trưởng kinh tế của khu vực này chủ yếu được thúc đẩy nhờ triển vọng lạc quan của kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ. Giống như phần còn lại của thế giới, nhu cầu nội địa dự kiến sẽ vẫn là động lực tăng trưởng lớn nhất trên khắp châu Á trong năm nay.
Dù tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại, nhưng việc Bắc Kinh mở cửa trở lại sẽ vẫn được xem là “phao cứu sinh” cho nhiều nền kinh tế châu Á và thế giới, bởi đây là yếu tố chính thúc đẩy tiêu dùng và nhu cầu của ngành dịch vụ.
Việc “mây đen phủ bóng” các nền kinh tế đầu tàu của châu lục và thế giới cho thấy bức tranh chung của thế giới vẫn nhiều gam mầu tối và các thách thức trong năm nay hết sức lớn.
Một báo cáo mới công bố của Liên hợp quốc đã dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 2,3% vào năm 2023 nhưng cảnh báo rằng đối với nhiều nước đang phát triển, triển vọng đã xấu đi trong bối cảnh các điều kiện tín dụng bị thắt chặt và chi phí tài chính bên ngoài gia tăng.
Kinh tế thế giới đối mặt nhiều khó khăn, bất ổn và trong bối cảnh đó lãnh đạo các nước lớn, các định chế tài chính cần tích cực hợp tác hơn nữa tìm “tiếng nói chung” để kiềm chế lạm phát, ổn định chuỗi cung ứng, kích cầu sản xuất, tiêu dùng, thực hiện các sáng kiến hợp tác mới trên quy mô khu vực và toàn cầu.
Theo TRUNG KIÊN/Nhandan.vn