Liên đoàn Arab (AL) vừa quyết định khôi phục tư cách thành viên của Syria và nhất trí thành lập một ủy ban liên lạc nhằm tìm giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng Syria. Những nỗ lực này được kỳ vọng có thể thúc đẩy tiến trình giải quyết hòa bình cuộc xung đột đã bước sang năm thứ 13 ở quốc gia Trung Đông.
Phiên họp của Liên đoàn Arab, ngày 7/5/2023. Ảnh: REUTERS |
Tại cuộc họp kín bất thường ở Ai Cập, các bộ trưởng ngoại giao của liên đoàn thông qua quyết định khôi phục tư cách thành viên của Syria, vốn bị đình chỉ sau khi xung đột nổ ra tại quốc gia Trung Đông này năm 2011. AL thành lập một ủy ban liên lạc cấp bộ trưởng về vấn đề Syria, gồm các đại diện của Ai Cập, Saudi Arabia, Jordan, Iraq, Liban và Tổng Thư ký AL.
Liên đoàn thống nhất về cách tiếp cận từng bước nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng, theo đó ủy ban mới thành lập sẽ theo dõi tình hình và liên lạc chặt chẽ với Chính phủ Syria, các bên liên quan cũng như cộng đồng quốc tế về vấn đề này.
Cuộc khủng hoảng ở Syria trở thành chủ đề chính trong nhiều cuộc thảo luận cấp khu vực thời gian gần đây. Cuộc họp bất thường kể trên của AL diễn ra một tuần sau khi các bộ trưởng ngoại giao Jordan, Ai Cập, Saudi Arabia, Iraq và Syria gặp nhau tại thủ đô Amman của Jordan để bàn về cuộc xung đột ở Syria. Tháng trước, tại Saudi Arabia, Ai Cập và tám quốc gia Arab đã tham gia một cuộc tham vấn nhằm giảm bớt sự cô lập đối với Syria. Các đại biểu dự họp nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của thế giới Arab trong các nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Syria.
Dư luận quốc tế cũng dễ dàng nhận thấy dấu hiệu “tan băng” xuất hiện ngày càng nhiều trong quan hệ giữa Syria và các nước trong khu vực. Sau hơn một thập niên căng thẳng, Syria và Tunisia nhất trí mở cửa trở lại đại sứ quán tại mỗi nước.
Ngày 12/4 vừa qua, trong chuyến thăm đầu tiên của một bộ trưởng ngoại giao Syria đến Saudi Arabia kể từ năm 2011, hai bên nhất trí nối lại các dịch vụ lãnh sự và các chuyến bay giữa hai nước. Ngay sau đó, hôm 18/4, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud đến thủ đô Damascus trong chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia tới Syria sau 12 năm.
Các nhà ngoại giao hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có cuộc họp mang tính bước ngoặt ngày 10/5 ở thủ đô Moskva của Nga, là cuộc họp chính thức đầu tiên kể từ năm 2011.
Ankara và Damascus duy trì rất ít kênh liên lạc chính thức kể từ khi xung đột nổ ra tại Syria. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gần đây để ngỏ ý định tổ chức một hội nghị cấp cao nhằm xây dựng nền hòa bình khu vực, với sự tham dự của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Theo Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, một cuộc họp cấp nguyên thủ quốc gia giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iran và Syria về vấn đề Syria có thể sẽ được tổ chức trong năm 2023.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hy vọng việc AL khôi phục tư cách thành viên của Syria có thể thúc đẩy tiến trình giải quyết cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này.
Nhấn mạnh vai trò của các nước khu vực trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng, Tổng Thư ký Guterres cảnh báo về tình hình nhân đạo nghiêm trọng ở Syria. Kể từ khi xung đột nổ ra, khoảng 500.000 người thiệt mạng và hơn 10 triệu người, chiếm tới 50% dân số Syria, phải sơ tán.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký AL Ahmed Abul-Gheit nhấn mạnh thực tế vấn đề Syria không thể hóa giải trong một sớm một chiều. Một số quốc gia trong khu vực, trong đó có Qatar, vẫn phản đối bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Syria nếu không có một giải pháp chính trị cho xung đột tại quốc gia này.
Trong tuyên bố ngày 8/5, Nhà trắng chỉ trích quyết định trên của AL, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ không bình thường hóa quan hệ với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia Trung Đông vẫn có hiệu lực đầy đủ.
Theo TUỆ MINH/Nhandan.vn