Bước ngoặt trên chính trường Thái Lan

21:29, 16/05/2023
.

Chiến thắng của Đảng Tiến bước được giới chuyên gia đánh giá là sự chuyển dịch mang tính lịch sử của chính trị Thái Lan

Theo kết quả cuộc tổng tuyển cử Thái Lan được công bố hôm 15-5, Đảng Tiến bước (MFP) của ông Pita Lim-jaroenrat giành nhiều ghế nhất, với 151/500 ghế Hạ viện.

Theo sau là Đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) của bà Paetongtarn Shinawatra, con gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, với 141 ghế. Trong khi đó, Đảng Quốc gia Thái Lan thống nhất của Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-ocha giành 36 ghế, đứng vị trí thứ 4.

Lãnh đạo Đảng Tiến bước Pita Limjaroenrat mừng kết quả bầu cử tại thủ đô Bangkok - Thái Lan hôm 15-5. Ảnh: REUTERS
Lãnh đạo Đảng Tiến bước Pita Limjaroenrat mừng kết quả bầu cử tại thủ đô Bangkok - Thái Lan hôm 15-5. Ảnh: REUTERS

Ông Pita Limjaroenrat, 42 tuổi, từng là giám đốc điều hành của hãng gọi xe công nghệ Grab, viết trên Twitter: "Rõ ràng giờ đây MFP đã nhận được sự tin tưởng to lớn của người dân và đất nước". Lãnh đạo MFP cũng nhấn mạnh cam kết sẵn sàng thay đổi đất nước nếu ông trở thành thủ tướng thứ 30 của Thái Lan.

Theo hãng tin AP, kết quả cuộc bỏ phiếu hôm 15-5 cho thấy cử tri Thái Lan muốn chứng kiến sự thay đổi sau 9 năm lãnh đạo của các đảng được quân đội hậu thuẫn. Bên cạnh đó, theo Reuters, MFP nhận được làn sóng ủng hộ đông đảo của cử tri trẻ, bao gồm 3,3 triệu cử tri bỏ phiếu lần đầu, nhờ chương trình nghị sự tự do và những cam kết thay đổi táo bạo, bao gồm phá bỏ mô hình công ty độc quyền và sửa đổi luật về tội khi quân.

Trước đó, giới chuyên gia còn dự đoán Pheu Thai sẽ dễ dàng giành chiến thắng trước MFP và bà Paetongtarn Shinawatra cũng dẫn trước trong các cuộc thăm dò.

Trong khi đó, Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-ocha, người lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014, bị cho là xử lý kém hiệu quả vấn đề kinh tế trì trệ, đại dịch COVID-19 và cản trở các cải cách dân chủ, vốn là đề tài gây bức xúc ở các cử tri trẻ.

GS khoa học chính trị Thitinan Pongsudhirak tại Trường ĐH Chulalongkorn (Thái Lan) nhận định: "Đây rõ ràng là sự từ chối hiện trạng và đòi hỏi thay đổi cũng như cải cách". Theo ông Pongsudhirak, đó là một kết quả đáng kinh ngạc và mang tính lịch sử, khi MFP đưa cuộc cạnh tranh lên một nấc mới, tập trung vào vấn đề cải cách thể chế.

Sau khi kết quả được công bố, hãng tin Reuters dẫn lời ông Pita cho biết đã liên lạc với các đảng đối lập, đề xuất thành lập liên minh 6 đảng, trong đó có Pheu Thai để có được 309 ghế và ông là thủ tướng.

Dù vậy, con số 309 ghế vẫn thấp hơn so với 376 ghế cần thiết để bảo đảm ông Pita được bầu vào vị trí thủ tướng. Theo Bangkok Post, lãnh đạo Pheu Thai Paetongtarn Shinawatra, 36 tuổi, đã chúc mừng chiến thắng của MFP và tuyên bố hai bên có thể hợp tác trong tương lai.

Sự hợp tác của MFP và Pheu Thai sẽ còn đối mặt nhiều rào cản. Theo bản hiến pháp năm 2017 do chính quyền quân sự khi đó soạn thảo, sau cuộc tổng tuyển cử, 500 hạ nghị sĩ và 250 thượng nghị sĩ Thái Lan sẽ tiếp tục bầu ra thủ tướng mới vào tháng 7 tới.

Tân thủ tướng Thái Lan phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 376 đại biểu của hai viện Quốc hội. Chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha vẫn tiếp tục điều hành cho đến khi chính phủ mới chính thức ra mắt. Tuy nhiên, Thượng viện Thái Lan từ lâu có lập trường ủng hộ các đảng được quân đội hậu thuẫn.

Khi được hỏi về sức ép từ Thượng viện, ông Pita cho rằng tất cả các bên phải tôn trọng kết quả bầu cử và không có ích gì khi chống lại nó. Lãnh đạo Đảng Pheu Thai cũng cho hay về nguyên tắc, các thượng nghị sĩ phải tôn trọng tiếng nói của người dân.

Nhà khoa học chính trị Wanwichit Boonprong tại Trường ĐH Rangsit (Thái Lan) bình luận: "Đây sẽ là thách thức lớn đối với chính phủ mới. Mỗi bước đi sẽ được theo dõi và xem xét kỹ lưỡng". 

Theo NLĐO

 


Ý kiến bạn đọc


.