Sau khi tập trung vào việc kiểm soát lạm phát, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS - ngân hàng trung ương) đã có sự chuyển hướng khi tạm dừng thắt chặt chính sách tiền tệ để xem xét những rủi ro ngày càng tăng đối với nền kinh tế.
Ảnh: Reuters |
Bộ Công Thương Singapore cho biết, ước tính, tăng trưởng GDP của nước này trong quý I/2023 chỉ đạt 0,1%, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 2,1% trong quý trước.
Lĩnh vực sản xuất tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng âm 6% trong quý đầu tiên của năm 2023, tồi tệ hơn so với mức tăng trưởng âm 2,6% của quý trước.
Hoạt động yếu kém của lĩnh vực sản xuất là do sản lượng của tất cả các ngành sản xuất đều sụt giảm, ngoại trừ ngành kỹ thuật vận tải.
Trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại bán buôn, bán lẻ và vận tải kho bãi cũng ghi nhận mức tăng trưởng âm 1,1%.
Do triển vọng không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu bên ngoài đối với các sản phẩm chủ lực của Singapore tiếp tục suy giảm, Bộ Công Thương Singapore dự báo mức tăng trưởng GDP cả năm 2023 trong khoảng từ 0,5-2,5%, thấp hơn mức tăng trưởng 3,6% trong năm 2022.
Kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS) cho thấy động lực tăng trưởng đã chậm lại đáng kể trong khi lạm phát đã đạt đỉnh và có khả năng sẽ giảm dần trong tương lai. Vấn đề tăng trưởng và lạm phát đã khiến MAS phải cân bằng lại chính sách tỷ giá hối đoái của mình.
MAS, sử dụng tỷ giá hối đoái làm công cụ chính sách chính của ngân hàng này, cho biết sẽ "duy trì tỉ lệ tăng giá hiện hành" trong biên độ chính sách tỷ giá hối đoái danh nghĩa hiệu quả của đồng đô la Singapore (S$NEER).
Không giống như hầu hết các ngân hàng trung ương nhắm mục tiêu lãi suất, MAS quản lý chính sách tiền tệ bằng cách để đồng đô la Singapore (SGD) tăng hoặc giảm so với tiền tệ của các đối tác thương mại chính trong một biên độ không được tiết lộ, được gọi là S$NEER.
Với quyết định hôm 14/4 vừa qua, MAS giữ nguyên chính sách tiền tệ sau 5 lần thắt chặt liên tiếp kể từ tháng 10/2021, chỉ ra rủi ro tăng trưởng toàn cầu gia tăng và lạm phát giảm.
Các nhà kinh tế của ngân hàng Maybank Singapore mô tả các tuyên bố của MAS như một tín hiệu cho thấy mối lo ngại về sự tăng trưởng chậm lại "dường như đang lấn át lạm phát", trong khi những người khác lưu ý rằng MAS đã chuyển sang "ôn hòa".
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại sẽ ảnh hưởng đến thương mại và nhu cầu toàn cầu.
Nhà kinh tế Shivaan Tandon thuộc hãng nghiên cứu kinh tế Capital Economics có trụ sở tại Anh cho biết đây là một triển vọng "ảm đạm" đối với nền kinh tế Singapore, vốn là một trong những nền kinh tế dễ bị ảnh hưởng nhất do suy thoái toàn cầu và nhu cầu bên ngoài yếu.
Theo Chinhphu.vn