Ngày 26/4, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật nâng trần nợ và cắt giảm hàng nghìn tỷ USD chi tiêu của Chính phủ Mỹ.
Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua "Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng năm 2023" với tỷ lệ 217 phiếu ủng hộ, 215 phiếu phản đối. Bốn thành viên đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống đối với dự luật. Dự luật này thể hiện quan điểm của đảng Cộng hòa về cách tránh khủng hoảng nợ trong tương lai.
Biện pháp này sẽ nâng trần nợ thêm 1,5 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 3/2024, và cắt giảm chi tiêu ở mức 4,5 nghìn tỷ USD.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, DC. (Ảnh: Getty) |
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ hôm 25/4 cho hay dự luật sẽ giảm thâm hụt ngân sách liên bang 4.800 tỷ USD trong thập kỷ tới nếu được ký thành luật.
Dự luật trên sẽ trải qua cuộc bỏ phiế tại Thượng viện, trước khi chuyển đến Tổng thống Biden để thông qua. Tuy nhiên, Nhà Trắng cho hay Tổng thống Biden sẽ phủ quyết nếu dự luật chuyển đến ông.
Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất trong việc nâng trần nợ với điều kiện cắt giảm chi tiêu của chính phủ sẽ làm chậm tăng trưởng và làm mất việc làm.
Trong khi đó, Tổng thống Biden cho rằng, việc nâng giới hạn nợ là "không thể thương lượng". Ông Biden nhấn mạnh để xảy ra vỡ nợ sẽ là một hành động vô trách nhiệm.
Đảng Dân chủ kêu gọi đảng Cộng hòa nên ủng hộ việc tăng giới hạn nợ mà không có điều kiện ràng buộc và mọi cuộc đàm phán về chi tiêu của chính phủ phải diễn ra như một phần của quy trình ngân sách thông thường.
Hôm 25/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo việc Quốc hội bế tắc trong nâng trần nợ của chính phủ sẽ gây ra một "thảm họa kinh tế" và khiến lãi suất tăng cao trong nhiều năm tới.
Theo bà Yellen, việc vỡ nợ sẽ đe dọa đến những tiến bộ về kinh tế mà Mỹ đã đạt được từ sau đại dịch COVID-19, dẫn đến mất việc làm, đẩy chi phí các khoản thanh toán hộ gia đình như vay thế chấp, vay mua ôtô và thẻ tín dụng tăng cao.
Theo Kông Anh/VTC.vn