Giao tranh bùng phát trở lại ở Sudan vào cuối ngày 25/4 (giờ địa phương), bất chấp tuyên bố ngừng bắn của các phe tham chiến.
Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) đã đồng ý ngừng bắn trong 72 giờ bắt đầu từ 25/4 sau các cuộc đàm phán do Mỹ và Ả Rập Xê-út làm trung gian.
Tuy nhiên, theo Reuters, khi màn đêm buông xuống, tiếp tục có tiếng súng và tiếng nổ ở Omdurman - một trong những thành phố kết nghĩa với thủ đô Khartoum. Giao tranh cũng được ghi nhận tại nhà máy lọc nhiên liệu ở thành phố Bahri.
Những người sơ tán khỏi Sudan ngồi bên trong máy bay quân sự. (Ảnh: Reuters) |
Kể từ khi Sudan nổ ra chiến sự giữa quân đội và RSF vào ngày 15/4, lực lượng bán quân sự đã cắm chốt tại các khu dân cư và quân đội tìm cách nhắm mục tiêu vào họ từ trên không. Cuộc giao tranh biến các khu vực này thành chiến trường. Các cuộc không kích và pháo kích khiến ít nhất 459 người thiệt mạng, làm bị thương hơn 4.000 người, phá hủy các bệnh viện và khiến nguồn phân phối lương thực bị gián đoạn.
Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết một trong các bên tham chiến đã nắm quyền kiểm soát cơ sở y tế quốc gia ở Khartoum và bày tỏ lo ngại về các mối nguy sinh học tiềm ẩn từ mầm bệnh sởi và dịch tả khi vaccine được lưu trữ ở đó.
Sau khi các đại sứ quán và nhân viên cứu trợ nước ngoài rời khỏi khỏi quốc gia lớn thứ ba châu Phi, một số ý kiến lo ngại rằng thường dân ở lại sẽ gặp nguy hiểm lớn hơn nếu thỏa thuận đình chiến kéo dài ba ngày không được thực hiện. Cuộc chiến đã làm tê liệt các bệnh viện và các dịch vụ thiết yếu khác, đồng thời khiến nhiều người mắc kẹt trong nhà với nguồn cung cấp thực phẩm và nước uống ngày càng cạn kiệt.
Một phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết nhóm an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tiếp tục nói chuyện với các nhà lãnh đạo quân sự tại Sudan để chấm dứt giao tranh và cung cấp viện trợ nhân đạo.
Văn phòng nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết tình trạng thiếu lương thực, nước, thuốc men và nhiên liệu đang trở nên "cực kỳ nghiêm trọng", giá các mặt hàng cơ bản bao gồm nước đóng chai tăng cao và cơ quan này buộc phải cắt giảm hoạt động vì lý do an toàn.
Cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc dự báo hàng trăm nghìn người có thể chạy sang các nước láng giềng. Kể từ khi giao tranh nổ ra, hàng chục nghìn người đã bỏ sang Chad, Ai Cập, Ethiopia và Nam Sudan.
Tại Khartoum, đường phố của một trong những khu vực đô thị lớn nhất châu Phi hầu như không còn cuộc sống bình thường. Những người ở lại cố gắng nấp trong nhà trong khi giao tranh xảy ra bên ngoài.
“Tình hình đã trở nên rất nguy hiểm, kể cả ở những khu vực không bị bắn phá", nhà báo người Pháp Augustine Passilly cho biết qua điện thoại khi cố gắng vượt biên sang Ai Cập. “Không còn gì trong các cửa hàng, không nước, không thức ăn. Mọi người đã bắt đầu vũ trang khi đi ra ngoài".
Theo Phương Anh/VTC.vn