Mái tóc người Quảng Ngãi xưa

17:58, 07/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với người xưa, việc để tóc, cắt tóc và các kiểu tóc... vừa là sinh thể tự nhiên, vừa bao gồm quan niệm nhân sinh, thẩm mỹ, mang dấu ấn lịch sử văn hóa của một vùng đất.

Chúng ta đã từng thấy, với người Trung Đông, đàn ông nhất thiết phải để râu dài không được cạo, đó là xuất phát từ tín ngưỡng đạo Hồi. Xưa kia, người dân Quảng Ngãi đàn ông, đàn bà đều để tóc dài, búi sau ót. Có người bảo rằng, vì người Việt ta chưa sáng chế được cái tông-đơ cắt tóc như ở phương Tây nên mới vậy. Suy nghĩ như thế có thể là nhầm, vì cắt tóc đôi khi chỉ cần cái kéo, cái dao là được. Để tóc dài gắn với quan niệm tóc là của cha mẹ trao cho, không được cắt bỏ. Đến thời thực dân Pháp cai trị, mang danh đi “khai hóa”, chưa biết họ có vận động người dân cắt tóc hay không, nhưng rõ ràng đến khi phong trào Duy Tân “cúp tóc” đầu thế kỷ XX với cử nhân Lê Đình Cẩn làm chủ súy thì mới khởi đầu.

Người Quảng Ngãi với mái tóc pôm-pê hồi thập niên 30 của thế kỷ XX. ẢNH: TL
Người Quảng Ngãi với mái tóc pôm-pê hồi thập niên 30 của thế kỷ XX. ẢNH: TL

Quan niệm tóc là của cha mẹ trao cho làm cho người ta không khỏi e ngại cắt bỏ. Cũng như khi hoàng đế Trung Hoa cuối cùng là Phổ Nghi khi cắt bỏ cái đuôi sam dài lủng lẳng sau lưng, các cận thần đã khóc. Điều đó cho thấy cải biến phong tục không hề dễ dàng. Nhưng cái mới rồi cũng quen dần. Phổ biến sau phong trào Duy Tân là đàn ông cắt tóc ngắn, đàn bà để tóc dài, có người cắt “pôm-pê” nghĩa là cắt tóc ngắn ngang ót, phía trước cắt ngang trán, không rẽ ngôi, có người học Tây “phi-dê” (uốn cho xoăn). 

Cái răng cái tóc là góc con người. Tóc là một biểu hiện của cơ địa, của sinh thể. Người khỏe thường có tóc dày và rậm. Có người tóc mềm mượt như tơ, có người tóc cứng và không suông, dân gian thường gọi là tóc rễ tre. Việc cắt tóc ngoài ý nghĩa cho gọn gàng, còn là một yếu tố thẩm mĩ, cắt kiểu gì tùy thuộc vào khuôn mặt, màu da. 

Đàn ông ở Quảng Ngãi xưa người ta thường có các kiểu tóc như: Hớt ca-rê (ủi sát da chung quanh đầu tóc, trên đỉnh đầu để tóc chỉ dài khoảng 1cm, chung quanh trán gianh tròn); tóc ba phân cũng như kiểu trên nhưng ở đỉnh đầu tóc dài hơn (chừng 3cm), trước trán để tóc dài tự nhiên; kiểu xít-po cũng như kiểu ba phân nhưng tóc trên đỉnh dài hơn, chải rẽ ngôi; tóc mái xanh là kiểu hớt xung quanh, không ủi tóc sát da đầu, mà để chân tóc chừng nửa phân và phần trên để như kiểu tóc xít-po. Phụ nữ có người không để tóc dài tự nhiên thì cắt ngang kiểu pom-pê, nếu phi-dê thì thường cắt ngắn phủ bờ vai. Người để tóc dài tự nhiên thường dùng kẹp (phụ nữ trẻ) hoặc búi tóc sau ót (phụ nữ già), nếu tóc chỉ còn thưa thì người ta có chang tóc, tức nắm tóc ở ngoài, phụ vào để búi tóc được đầy đặn. Sau năm 1975, phụ nữ có thêm kiểu tóc xì-tôn, cắt ngang gáy, uốn tóc úp vào trong, có lẽ đây là kiểu tóc du nhập từ Đông Âu.

Từ sau khi có phong trào “cúp tóc” hồi đầu thế kỷ XX, ở Quảng Ngãi xuất hiện những người làm nghề hớt tóc. Học nghề là người nọ chỉ vẽ người kia qua thực tế. Người thợ có thể mở tiệm, cũng có thể sắm cái tráp nhỏ đựng dụng cụ đi quanh các làng quê mà cắt tóc dạo. Thị xã Quảng Ngãi cũng như các huyện, các làng quê đều có tiệm cắt tóc. Dụng cụ tối thiểu để làm nghề cắt tóc là cái tông-đơ (để “ủi” tóc), kéo, dao cạo, cái ráy tai, khăn choàng, chổi quét tóc nhỏ và cái gương soi. 

Tông-đơ thường có xuất xứ của Pháp hoặc Đức, dao cạo thường là Dorko của Đức. Dùng kéo, tông - đơ cùn thì người thợ chịu khó mài trước khi cắt tóc cho khách. Có trường hợp thợ lười mài kéo và tông-đơ, khi hớt tóc sẽ đau và tóc lởm chởm trông rất vụng. Có chuyện vui là mái tóc không đẹp nên khách bèn “bắt đền” thợ cắt. Người ta chỉ cười trừ: "Xấu mặt lâu xấu đầu mấy chốc", ý nói gương mặt xấu thì khó thay đổi, còn cắt tóc có hư thì tóc lại sớm mọc lên thôi.

Ngày nay, công nghệ làm tóc rất hiện đại, với đủ kiểu dáng và màu sắc. Nhớ lại chuyện cắt tóc ngày xưa cũng là một chút hoài niệm về một thuở khốn khó đã qua.  

CAO CHƯ


 


Ý kiến bạn đọc


.