Một lần tình cờ tôi được quen biết Trung tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Anh Việt – Khi đó đang là Phó giám đốc Học viện Quốc phòng. Như một thói quen nghề nghiệp, tôi nói vui xem anh có tập hồi ký nào không để bên em xuất bản và tiện giới thiệu đôi nét về Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.
Anh Việt cười rất hiền và bảo anh cũng có nhu cầu xuất bản sách, nhưng đó là sách hồi ức về ba anh – Thiếu tướng Phan Văn Đường – Nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương và cho tôi xem những bài viết của các thủ trưởng, đồng đội, bạn bè về ba của anh. Trong ánh mắt và lời nói của vị Trung tướng tài hoa là niềm tự hào về người cha trọn đời cống hiến cho cách mạng. Ba anh đã nuôi dưỡng, rèn luyện các con trưởng thành bằng chính tấm gương và cuộc đời hoạt động của mình.
Thiếu tướng Phan Văn Đường sinh năm 1921, ông tham gia hoạt động cách mạng từ tháng 6 năm 1945. Ông quê ở Quảng Ngãi – một vùng quê nghèo của khúc ruột miền Trung nhưng lại sản sinh ra nhiều vị tướng tài ba cho quân đội. Trải qua hơn 50 năm hoạt động cách mạng, Thiếu tướng Phan Văn Đường đảm nhiệm các cương vị: Trưởng ban Quân sự tỉnh Khánh Hòa, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 84 Liên khu 5, Chính ủy Trung đoàn 9 thuộc Sư đoàn 324, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 324, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4, Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương. Ông được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1979.
Cuốn sách "Hồi ức về Thiếu tướng Phan Văn Đường" do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản. |
Thiếu tướng Phan Văn Đường luôn đem hết sức lực, tài năng của mình cống hiến cho cách mạng. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã viết trong cuốn hồi ức về ông: “Anh Đường là một trong những cán bộ chính trị giỏi của Quân đội. Anh nắm vững quan điểm, nguyên tắc, nội dung và phương pháp tổ chức tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị rất hiệu quả, không máy móc, xơ cứng, rập khuôn. Anh gần gũi thương yêu chiến sĩ, tôn trọng bè bạn”.
Đọc những bài viết về Thiếu tướng Phan Văn Đường, tôi bị cuốn hút từ những dòng đầu tiên. Tuy không được gặp ông trực tiếp, nhưng qua những dòng hồi ức đầy xúc động của đồng đội, bạn bè và người thân, ông vẫn vẹn nguyên sống động là một người lính “Bộ đội Cụ Hồ” với những phẩm chất nổi bật: Tận trung với nước, tận hiếu với dân trong chiến tranh cũng như trong hòa bình. “Thương quân như con, mà dạy con nghiêm như dạy lính” là nhận xét của nhiều người về ông.
Trong Di chúc của mình, ông viết: “Ba có suy nghĩ sâu sắc và thấm thía nhất là cuộc đời ba nếu không có Đảng, có Bác Hồ thì gia đình chúng ta không có như ngày hôm nay. Ba cũng nghĩ đến cuộc đời đã qua, ba càng biết công ơn của Đảng và Bác”. Không phụ lòng mong mỏi của ba mẹ, 5 người con của Thiếu tướng Phan Văn Đường đều là những quân nhân, giữ nhiều vị trí khác nhau trong quân đội và một trong số đó cũng là một vị tướng - Trung tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Anh Việt - Nguyên Đoàn trưởng K3, Cục trưởng Cục 12, Phó tổng cục trưởng Tổng cục II, Phó giám đốc Học viện Quốc phòng.
Thiếu tướng Phan Văn Đường đã đi xa, nhưng hình ảnh về một vị tướng tài ba, mẫu mực thì còn sống mãi trong tâm trí của bạn bè, đồng đội. Ghi nhận những đóng góp của Thiếu tướng Phan Văn Đường cho quê hương, cho cách mạng, chính quyền địa phương đã đổi tên Trường Tiểu học Đông Hòa, xã Nghĩa Hòa thành Trường Tiểu học Phan Văn Đường. Để cổ vũ phong trào học tập của quê nhà, các con của ông đã tình nguyện đóng góp và kêu gọi đồng đội ủng hộ thành lập “Quỹ học bổng Phan Văn Đường” nhằm giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đi học.
Đoàn Quân khu 4 vào báo công với Bác Hồ ở Đại hội Thi đua Quyết thắng năm 1968 (Thiếu tướng Phan Văn Đường đứng thứ nhất từ trái sang). |
Đoàn Quân khu 4 vào báo công với Bác Hồ ở Đại hội Thi đua Quyết thắng năm 1968 (Thiếu tướng Phan Văn Đường đứng thứ nhất từ phải sang). |
Thiếu tướng Phan Văn Đường đã dặn lại các con: “Các con hãy bảo vệ lấy Đảng, bảo vệ chính quyền theo hướng đi mà Đảng, Bác Hồ đã chọn. Ba nhắc các con luôn luôn trau dồi và xây dựng cho mình đạo đức cách mạng, tiếp tục phát huy truyền thống của cha ông ta, nhớ lấy cội nguồn”. Bằng sự phấn đấu bền bỉ, kiên cường, bằng một lối sống giản dị, gương mẫu, ông luôn đòi hỏi ở những người con của mình một trách nhiệm cao, một phẩm chất tốt để làm người có ích cho đời, để ông được thỏa lòng yêu thương các con. Thiếu tướng Phan Văn Đường đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo, nổi danh với những chiến công trong chiến đấu, hẳn nhiên đủ yếu tố là "cây cao" để nhiều người thân "núp bóng" nhưng ông tuyệt nhiên không cho con mình núp bóng. Quan niệm của ông là vào bộ đội, tất cả bình đẳng như nhau, dàn hàng ngang mà tiến. Phải bằng trí tuệ và lòng dũng cảm của bản thân mình để vượt lên hàng đầu.
Được sự giúp đỡ của Trung tướng Phan Anh Việt và gia đình, tôi đã có được bản thảo “Hồi ức về Thiếu tướng Phan Văn Đường” và nhanh chóng xuất bản thành sách để mang đến cho bạn đọc những tư liệu quý về một vị tướng mưu trí, dũng cảm với nhiều chiến công vang dội trong chiến đấu chống hải quân và không quân Mỹ, một người chỉ huy thương yêu chiến sĩ, một người cha mẫu mực cho các con noi theo. Nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), cuốn hồi ức về Thiếu tướng Phan Văn Đường một lần nữa lại thu hút sự quan tâm của bạn đọc, nhất là các bạn đọc trẻ hôm nay để hiểu hơn về một thế hệ đã cống hiến trọn đời cho cách cách mạng.
Thế hệ đó đã chiến đấu, hy sinh để có hòa bình, độc lập ngày hôm nay. Khép lại trang sách, đọng lại trong tôi lời nhắn nhủ của ông đối với các con mà tôi thấy như dặn lại thế hệ hôm nay: “Các con tuyệt nhiên không để cho tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, hẹp hòi, chỉ biết mình, chạy theo đồng tiền để ảnh hưởng, chi phối phẩm chất đạo đức và truyền thống cách mạng mà cha ông để lại cho con cháu… Các con hãy giữ gìn lấy phẩm chất của người lính Bác Hồ”.
Theo Báo Quân đội Nhân dân