(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2025 và những năm tiếp theo, Quảng Ngãi sẽ đổi mới hoạt động thu hút đầu tư, nhằm khai thác hiệu quả dư địa tại KKT Dung Quất. Phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Trần Văn Mẫn về việc chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới.
PV: Xin ông cho biết tình hình thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN tỉnh. Kết quả đạt được đó có tác động như thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh?
Ông TRẦN VĂN MẪN: Cách đây 20 năm, KKT Dung Quất được thành lập theo Quyết định số 50/2005/QĐ-TTg ngày 11/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Đến tháng 10/2016, KKT Dung Quất được sáp nhập với các KCN tỉnh và trở thành KKT Dung Quất và các KCN tỉnh. Hoạt động thu hút đầu tư tại đây liên tục được tỉnh quan tâm, nên đã đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua. Đến nay, KKT Dung Quất và các KCN tỉnh có 349 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 396 nghìn tỷ đồng.
Ông Trần Văn Mẫn. |
Nhiều năm qua, KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã dẫn dắt kinh tế của tỉnh phát triển theo hướng nhanh, bền vững. Đây là khu vực đóng góp chính vào tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng công nghiệp, tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người dân trong tỉnh. Hiện nay, KKT Dung Quất và các KCN tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 74 nghìn lao động, trong đó chủ yếu là người dân địa phương. Điều quan trọng hơn là người lao động làm việc tại KKT Dung Quất và các KCN tỉnh luôn có mức thu nhập cao và ổn định hơn những khu vực khác trong tỉnh. Riêng về nguồn thu, KKT Dung Quất và các KCN tỉnh chiếm phần lớn tổng số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Đơn cử, năm 2024, thu từ KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đạt 24,2/29,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 82%. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 220 nghìn tỷ đồng; dịch vụ, thương mại ước đạt 6.100 tỷ đồng...
PV: Hiện KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã chuẩn bị những gì để sẵn sàng đón nhà đầu tư mới, thưa ông?
Ông TRẦN VĂN MẪN: Chính sách thu hút đầu tư của tỉnh mang tính ổn định, xuyên suốt, đảm bảo các quy định chung của cả nước, nhưng có thêm một số ưu đãi vượt trội, khuyến khích đầu tư. Các chính sách này được công khai, minh bạch và sẽ được Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh cung cấp đầy đủ, tư vấn và hướng dẫn tận tình cho nhà đầu tư khi họ có ý định đầu tư vào Quảng Ngãi.
Từ năm 2023 đến nay, KKT Dung Quất và các KCN tỉnh được phê duyệt, thực hiện các quy hoạch liên quan, xác lập tầm nhìn, tạo bộ khung pháp lý để giải quyết thủ tục đất đai, xây dựng thuận lợi, dễ dàng hơn cho nhà đầu tư. Cụ thể là Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045; các quy hoạch ngành có liên quan của các bộ, ngành trung ương. Hiện nay, KKT Dung Quất có 4/11 quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 được phê duyệt, làm cơ sở để triển khai thu hút đầu tư dự án mới. Đặc biệt là dành nguồn lực ngân sách đầu tư hạ tầng giao thông, xử lý nước thải tập trung; tổ chức sắp xếp dân cư, tạo lập quỹ đất sạch để thu hút đầu tư.
Khu Kinh tế Dung Quất - điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: MINH THU |
PV: Việc phê duyệt các quy hoạch này có ý nghĩa như thế nào đối với việc thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi, thưa ông?
Ông TRẦN VĂN MẪN: Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045 có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động thu hút đầu tư tại KKT Dung Quất. Đây chính là cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển của KKT Dung Quất, là cơ sở pháp lý để kêu gọi đầu tư và triển khai dự án. Dựa trên các quy hoạch này, tỉnh sẽ sắp xếp dự án đúng chức năng, ngành nghề, tránh xung đột trong quá trình triển khai, vận hành. Nói đúng hơn là giúp cho việc thu hút đầu tư, phát triển KKT Dung Quất sẽ đạt hiệu quả cao hơn trong tương lai, khai thác quỹ đất tiết kiệm, hiệu quả.
Thực tế, từ các quy hoạch được duyệt, mới đây Quảng Ngãi đã thu hút được các dự án quy mô, có tính lan tỏa lớn như dự án VSIP II Quảng Ngãi, tổng diện tích hơn 497ha, dự kiến khởi công vào đầu năm 2025; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Phát Đạt - Dung Quất 2, tổng diện tích 449ha, hiện đang tích cực giải phóng mặt bằng, để sớm đủ điều kiện khởi công xây dựng.
Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đang sẵn sàng tâm thế chủ động đón làn sóng đầu tư mới; cam kết luôn đồng hành với nhà đầu tư khi chọn KKT Dung Quất làm điểm đến.
PV: Theo ông, tại KKT Dung Quất, lĩnh vực nào còn dư địa lớn để thu hút đầu tư?
Ông TRẦN VĂN MẪN: Khu Kinh tế Dung Quất được quy hoạch hơn 45,3 nghìn héc ta, được chia ra nhiều khu vực phát triển, rất thích hợp cho hoạt động thu hút đầu tư đa lĩnh vực, đa ngành nghề. Đây còn là khu vực có vị trí chiến lược, hội tụ đầy đủ các phương thức vận tải gồm đường thủy, đường bộ, đường sắt, hàng không, đặc biệt là có cảng nước sâu Dung Quất và sân bay Chu Lai; có ưu thế vượt trội về logictis. Thực tế, dựa vào ưu thế này, KKT Dung Quất đã thu hút 2 ngành công nghiệp nặng được gọi là “công nghiệp nguồn” là lọc dầu và luyện cán thép. Từ 2 ngành công nghiệp này, Quảng Ngãi đã và đang phát triển chuỗi sau hóa dầu và sau thép là cán thép, cơ khí, từng bước hình thành nền công nghiệp hiện đại, tuần hoàn.
Các lĩnh vực còn dư địa lớn có thể kể ra như các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời; dự án công nghệ tiên tiến, sản phẩm có giá trị cao... Đây cũng chính là những dự án công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng công nghệ mới thân thiện với môi trường mà tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư. Ngoài ra, KKT Dung Quất còn có tiềm năng phát triển du lịch, đô thị biển ở khu Đông Nam Dung Quất, ở đảo Lý Sơn...
PV: Xin cảm ơn ông!
THANH NHỊ (thực hiện)
TIN, BÀI LIÊN QUAN: