Sáng ngời tinh thần người lính

10:38, 28/12/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời trai trẻ họ cầm súng chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, rồi làm nghĩa vụ quốc tế. Hòa bình trở lại, sống hòa mình vào cộng đồng, làm những việc có ích cho đời, góp phần xây dựng quê hương. Họ là những cựu chiến binh (CCB) ngời sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Chia sẻ với người nghèo 

Trường Tiểu học Tịnh Giang (Sơn Tịnh), nằm bên đường liên thôn. Khi tôi đến, dưới tán cây bàng, hoa sữa, các CCB trong trang phục gọn gàng đang hớt tóc miễn phí cho học sinh nghèo. Những cái đầu nghiêng nghiêng theo tiếng tông-đơ gõ nhẹ. Chủ tịch Hội CCB Trương Quang Việt bảo, Tịnh Giang có nhiều  học sinh nghèo hoặc mồ côi sống với bà nội, bà ngoại. Có những CCB tuổi cao sức yếu, mỗi tháng người thân phải đèo ra tiệm để hớt tóc rất khó khăn. Điều đó làm chúng tôi suy nghĩ… Và rồi, tổ hớt tóc miễn phí hình thành. Ông Việt đi liên hệ với nhà trường, những CCB ốm đau để hẹn ngày hớt tóc.

Cựu chiến binh Nguyễn Thành vừa hớt xong mái tóc cho một học sinh nghèo. Anh sửa lại chiếc tông-đơ và giũ tấm vải choàng bên ngoài cho học sinh hớt tóc. Nghe hỏi chuyện, anh Thành hào hứng kể, tôi từng là bộ đội tình nguyện ở Sư đoàn 307, đã tham gia chiến đấu ở chiến trường K. Năm 1987, tôi phục viên có vợ con. Để cải thiện cuộc sống cho gia đình, tôi đi học nghề thú y và hớt tóc.

Các cựu chiến binh ở xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh) hớt tóc miễn phí cho các em có hoàn cảnh khó khăn.
Các cựu chiến binh ở xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh) hớt tóc miễn phí cho các em có hoàn cảnh khó khăn.

Tiệm hớt tóc của anh Thành nhiều hôm đón khách hàng nhỏ tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Khi hớt xong, chủ tiệm cười bảo: "Chú chỉ giúp thôi, chứ không có lấy tiền". Vậy nên, khi nghe hội phổ biến thành lập tổ hớt tóc miễn phí, anh Thành phấn khởi, gật đầu ngay. “Hớt tóc miễn phí nhưng không được qua loa đại khái đâu nhé. Bởi ai cũng muốn hớt cho đẹp, mái tóc phải phù hợp với khuôn mặt, chứ mà hớt tệ các cháu không thích đâu", anh Thành bộc bạch.

"Với phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, nhiều CCB đã nỗ lực vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, tích cực đóng góp cho sự phát triển của địa phương". 

Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh VÕ ĐÌNH DŨNG
 

 Tổ hớt tóc miễn phí đầu tiên chỉ có 5 người, rồi lan tỏa thêm 3 người thợ nữa. Anh Đặng Ngọc Sỹ, trú ở xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) kể, tôi cũng là CCB Sư đoàn 307. Khi về phục viên tôi học nghề hớt tóc và mở tiệm tại nhà ở thôn Đồng Nhơn Bắc, xã Tịnh Đông, để có thêm đồng ra đồng vào lo cho gia đình. Mấy bận về thăm quê vợ, biết Tịnh Giang có Tổ hớt tóc miễn phí nên tôi mang dao, kéo, tông- đơ xin nhập hội. Các anh CCB trong tổ vui vẻ bảo: "Nhận liền”. Còn chị Nguyễn Thị Chung, thành viên trong Tổ hớt tóc miễn phí cười bảo, tôi không phải là CCB. Ở nhà tôi mở tiệm hớt tóc, gội đầu và có thuê thợ đến làm. Rồi việc làm của các anh CCB lan tỏa, tôi đồng cảm nên xin tham gia Tổ hớt tóc miễn phí.

Tổ hớt tóc miễn phí của CCB xã Tịnh Giang hoạt động từ năm 2018 đến nay. Hằng tháng, các CCB dành trọn một ngày để hớt tóc miễn phí. Và không chỉ hớt tóc ở địa phương, anh em trong tổ còn liên hệ với Hội CCB xã Sơn Thành (Sơn Hà) để hớt tóc miễn phí cho con em đồng bào dân tộc Hrê. “Lên miền núi thấy con em đồng bào dân tộc Hrê còn khổ nhiều. Vậy nên, mình hy vọng sẽ có nhiều đợt đi hớt tóc miễn phí ở vùng cao", chị Chung chia sẻ. 

Làm được gì cho bà con thì cố gắng làm

Rời xã Tịnh Giang, tôi lên huyện Sơn Tây, nơi đây đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Đến Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây trong buổi sáng sớm, chúng tôi thấy có chiếc xe bán tải chở hai nồi cháo đầy. Xe vừa dừng lại đã có nhiều chị em là y, bác sĩ của trung tâm ra khiêng hai nồi cháo đưa vào hành lang trung tâm rồi đặt trên chiếc bàn dài nơi hành lang trung tâm y tế. Nồi cháo thịt bò nóng hôi hổi với lá hành thơm phức. Những bệnh nhân nghèo, như thường lệ mang cà mèn, tô đến xếp hàng chờ múc cháo. Bà Nguyễn Thị Nhi, ở xã Sơn Tân sau khi đón nhận chiếc cà mèn đầy cháo nói: “Có nồi cháo từ thiện này đỡ lắm. Mình nghèo khó mà được giúp đỡ chừng nào mừng chừng đó. Mà cháo của các cô chú nấu rất ngon”.

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Thế (bên trái) phát cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây.
Cựu chiến binh Nguyễn Quang Thế (bên trái) phát cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây.

 Cựu chiến binh Nguyễn Quang Thế - tác giả của nồi cháo mang tên Thiện Tâm cho hay, ở huyện miền núi này bà con nghèo khó lắm. Vậy nên mình làm được gì cho bà con thì cố gắng làm. Ban đầu, tôi kêu gọi anh em quen biết có lòng thiện nguyện giúp đỡ, tổ chức nấu cháo tình thương, chỉ tổ chức ở Trung tâm Y tế huyện. Anh em trong nhóm tự nấu rồi phát cho bệnh nhân nghèo, mỗi tuần một lần vào sáng thứ Ba. Sau đó thì các y, bác sĩ ở trung tâm và một số người khá giả giúp sức nên mở rộng thêm 3 địa điểm phát cháo, đó là ở cổng chợ Sơn Tây và hai điểm trường mầm non Sơn Lập, Sơn Dung. Mỗi lần nấu chi phí hết 3,6 triệu đồng và anh em trong nhóm đã duy trì nồi cháo được 6 năm.

Không chỉ làm nồi cháo Thiện Tâm mà CCB Nguyễn Quang Thế còn vận động các nhà hảo tâm ở Quảng Ngãi, TP.Hồ Chí Minh hỗ trợ kinh phí để đóng giếng, giúp người dân có nước sinh hoạt. Ông Thế đưa chúng tôi đến khu dân cư Huy Ra Long, xã Sơn Mùa. Trên đường đi, ông Thế kể, ở vùng cao này, có một số công trình nước sạch do Nhà nước đầu tư, sau một thời gian đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng nhưng không có điều kiện sửa chữa. Một số vùng bà con đồng bào dân tộc thiểu số chờ xây dựng công trình nước sạch nhưng địa phương chưa có kinh phí đầu tư, người dân phải dùng nước sông hoặc đi lấy nước ở xa. Ông Thế đã vận động kinh phí hỗ trợ đóng 7 giếng nước sinh hoạt, mỗi giếng trị giá 35 triệu đồng. “Mình chỉ làm cầu nối cho các nhà tài trợ. Khi họ đồng ý thì kêu thợ đến làm, mình có công theo dõi xây dựng công trình. Khi nghiệm thu có nhà tài trợ về dự, còn không thì họ thấy hình ảnh qua Zalo và tự thanh toán qua tài khoản với người thi công”, ông Thế cho biết. 

Chúng tôi ghé nhà chị Đinh Thị Một, ở khu dân cư Huy Ra Long. Chị Một đang giặt giũ bên ghè nước trước hiên nhà được lấy từ giếng đóng mà anh Thế vận động xây dựng.  “Trước đây, mùa hè, trời nắng nóng kéo dài, người dân ở đây phải đi gùi nước dưới con suối ở rất xa về dùng. Từ ngày có giếng do anh Thế vận động xây dựng, người dân đỡ vất vả", chị Một phấn khởi nói.

CẨM THƯ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 10:38, 28/12/2024

Ý kiến bạn đọc


.