Ngôi làng có ba vị tướng

08:51, 23/12/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trung tuần tháng 12/2024, tôi có dịp cùng Trung tướng, PGS.TS Phan Anh Việt - nguyên Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) về thăm lại làng Thu Xà, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa). Nơi đây, tôi đã gắn bó suốt thời gian dài với bao ân tình, đặc biệt đây là ngôi làng có ba vị tướng, những người con ưu tú của quê hương núi Ấn - sông Trà. 

Tôi gắn với làng quê Thu Xà bởi có một thời gian dài tìm hiểu, biên soạn các cuốn sách: "Quê hương và đồng đội" (Thiếu tướng Trần Tiến Cung, Nhà xuất bản QĐND - 2011), "Những vị tướng quê hương núi Ấn sông Trà" (Nhiều tác giả, Nhà xuất bản QĐND - 2012) và "Hồi ức về Thiếu tướng Phan Văn Đường" (Nhiều tác giả, Nhà xuất bản QĐND - 2021). Theo nhiều nguồn sử liệu, Thu Xà là ngôi làng cổ có niên đại hàng trăm năm. Xưa kia, làng từng giống như phố cổ Hội An, người Hoa buôn bán giao thương sầm uất, nhộn nhịp vào bậc nhất, nhì Quảng Ngãi nên còn được gọi là Thương cảng Thu Xà. Khoảng những năm đầu thập niên ba mươi của thế kỷ XX, Thu Xà giống như một thị trấn, có con sông đào, ghe bầu chở được 30 tấn hàng hóa, các sản phẩm từ đường được chuyên chở đến Nam Định, Hải Phòng...; có nhà máy đèn, nhà dây thép với 2 xe ô tô chở thư, có thương chánh (hải quan), sân bóng đá... Những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, Thu Xà trở thành căn cứ cách mạng, được ví như vùng Gò Nổi (Quảng Nam).

Trung tướng Phan Anh Việt (thứ hai, bên phải) dự buổi gặp mặt các tướng lĩnh quân đội về hưu ở khu vực phía nam, 
do Bộ Quốc phòng tổ chức. 	                                                                                            
 Ảnh: NVCC
Trung tướng Phan Anh Việt (thứ hai, bên phải) dự buổi gặp mặt các tướng lĩnh quân đội về hưu ở khu vực phía nam, do Bộ Quốc phòng tổ chức. Ảnh: NVCC

Điều lý thú, hấp dẫn giới báo chí, xuất bản khi về Thu Xà tìm hiểu phong trào đấu tranh cách mạng bởi chính nơi đây là quê hương của ba vị tướng: Thiếu tướng Phan Văn Đường - nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương (hiện nay là Quân ủy Trung ương); Thiếu tướng Trần Tiến Cung - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 2 (Bộ Quốc phòng) và Trung tướng, PGS.TS Phan Anh Việt - nguyên Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng (Bộ Quốc phòng). Trung tướng Phan Anh Việt là con trai út của Thiếu tướng Phan Văn Đường. Đặc biệt, có hai người từng đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 2 (Tổng cục Tình báo) là Thiếu tướng Trần Tiến Cung và Trung tướng Phan Anh Việt.

 Người chiến sĩ phải biết hy sinh
Nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12), Trung tướng Phan Anh Việt bùi ngùi chia sẻ, tôi được theo ba đi chiến đấu từ nhỏ, nhất là thời kỳ ba cùng Đảng bộ và nhân dân Quân khu 4 tiến hành chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và bộ binh của Mỹ nguỵ ở B5 giới tuyến vô cùng gian khổ và ác liệt. Đến tuổi trưởng thành, ba gửi tôi vào quân đội với lời căn dặn làm người chiến sĩ phải biết hy sinh.

Những ngày tháng 12, trong không khí tưng bừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, câu chuyện về ba vị tướng quê Thu Xà càng thêm ý nghĩa. Thiếu tướng Phan Văn Đường sinh năm 1921, mất năm 1998. Tham gia hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông Phan Văn Đường từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội như: Trưởng ban Quân sự tỉnh Khánh Hòa, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 84 (Liên khu 5), Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 9 (Sư đoàn 324, Quân khu 4), Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Tân Bình (TP.Hồ Chí Minh).

Thiếu tướng Trần Tiến Cung sinh năm 1929, mất năm 2021. Ông Trần Tiến Cung tham gia hoạt động trong cao trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại quê nhà, năm 1946 ông lên đường nhập ngũ. Cuộc đời binh nghiệp của ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau, trong đó có Trợ lý Trinh sát Sư đoàn 324 (Quân khu 4), Phó Trưởng phòng Điều tra - Thẩm cứu (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) kiêm thư ký riêng cho đồng chí Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Hoàng Quốc Việt, Cụm trưởng Cụm tình báo H32, Cục trưởng Cục 11 (Tổng cục 2), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 2, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.Đà Nẵng.

Học sinh Trường THPT Thu Xà tham quan Nhà tưởng niệm cố Thiếu tướng 
Phan Văn Đường, ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa).                                                                          
Ảnh: BẢO HÒA
Học sinh Trường THPT Thu Xà tham quan Nhà tưởng niệm cố Thiếu tướng Phan Văn Đường, ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa). Ảnh: BẢO HÒA

Trung tướng, PGS.TS Phan Anh Việt sinh năm 1961, tại tỉnh Hải Dương. Ông Phan Anh Việt học tập và lớn lên trong Trại trẻ Quân khu 4, năm 1979 nhập ngũ vào Sư đoàn 441 (Quân khu 4). Sau đó, ông trưởng thành trong quân đội, đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau như: Cục trưởng Cục 12 (Tổng cục 2), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 2, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng. Mặc dù là người cùng làng nhưng đến tận những năm 1996, 1997, ông Phan Anh Việt mới biết thủ trưởng Trần Tiến Cung là đồng hương. Bấy giờ, ông Trần Tiến Cung là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 2 phụ trách ngành Quân báo - Trinh sát, ông Phan Anh Việt là cán bộ thuộc Cục 12 (Tổng cục 2). Trong quá trình công tác, qua trò chuyện hai người mới biết mình chung một làng.

Tại Nhà tưởng niệm cố  Thiếu tướng Phan Văn Đường ở xã Nghĩa Hòa, Trung tướng Phan Anh Việt xúc động tâm sự: “Nghĩa Hòa là quê hương ruột thịt đã nuôi dưỡng, đùm bọc cha mẹ tôi hoạt động cách mạng. Từ lúc tham gia kháng chiến cho đến lúc về hưu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Tân Bình, cha tôi không nguôi nỗi nhớ. Ông thường nhắc nhở anh chị em tôi phấn đấu trưởng thành để trả nghĩa cho quê hương, khi thành đạt phải trở về quê cha đất tổ thắp nhang báo ơn tiên tổ, thăm bà con và góp phần nhỏ bé xây dựng quê hương”. Thể theo di chúc của Thiếu tướng Phan Văn Đường, Trung tướng Phan Anh Việt đã trao đổi với Thiếu tướng Trần Tiến Cung về việc thành lập một quỹ khuyến học để giúp đỡ trẻ em nghèo học giỏi trên quê hương Nghĩa Hòa. Ông Trần Tiến Cung ủng hộ ý tưởng đó và đề nghị lấy tên Quỹ khuyến học Phan Văn Đường. Năm 2009, quỹ đi vào hoạt động, do chính quyền xã Nghĩa Hòa quản lý. Số tiền gây quỹ được Trung tướng Phan Anh Việt, Thiếu tướng Trần Tiến Cung vận động con cháu, bạn bè, người thân đóng góp. Trung tướng Phan Anh Việt cho biết, từ khi thành lập quỹ đến nay, chúng tôi đã kêu gọi ủng hộ được số tiền hơn một tỷ đồng. Tiền gửi vào ngân hàng, hằng năm, UBND xã Nghĩa Hòa sẽ dùng 50% số tiền lãi để trao thưởng cho các cháu học sinh nghèo vượt khó. Số lượng học sinh được hỗ trợ từ năm 2009 đến thời điểm hiện tại là gần 1.000 cháu. Ngoài ra, gia đình tôi còn kêu gọi các nhà tài trợ xây dựng một dãy nhà hai tầng tại Trường Tiểu học Phan Văn Đường gồm có các phòng chuyên môn, thư viện, phòng họp, tài trợ mới các phòng học có ti vi để các cháu học tập”.


Làng quê ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) hôm nay. Ảnh: MINH THU
Làng quê ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) hôm nay. Ảnh: MINH THU

Ba vị tướng quê Thu Xà giờ đây hai người đã về cõi vĩnh hằng. Người còn lại, Trung tướng, PGS.TS Phan Anh Việt, mở di chúc của Thiếu tướng Phan Văn Đường, đọc cho tôi nghe những dòng được đánh dấu như một lời tâm sự: “Cuộc đời ba gian truân cực khổ, liên tục đấu tranh để sống, chiến đấu và nuôi dưỡng các con. Ba có suy nghĩ sâu sắc và thấm thía nhất cả cuộc đời của ba nếu không có Đảng, không có Bác Hồ thì gia đình chúng ta không có như ngày nay. Ba càng nghĩ đến cuộc đời ba đã qua càng biết công ơn của Đảng và Bác. Nếu ba có đi xa, các con hãy nhớ và ghi lòng tạc dạ đến điều này: “Các con hãy bảo vệ lấy Đảng, bảo vệ lấy chính quyền theo hướng đi mà Đảng và Bác  Hồ đã chọn”.

NGUYỄN SỸ LONG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 08:51, 23/12/2024

Ý kiến bạn đọc


.