(Báo Quảng Ngãi)- Nhà tôi ở làng Thu Phổ, cách dòng sông Trà Khúc không xa. Ngày còn bé, cứ mỗi lần được đi theo ông nội ra núi Phước viếng lăng Ông, tôi hay lẻn ra bờ sông ngắm nhìn bờ xe nước chậm rãi quay đều trong âm thanh rì rào của tiếng nước chảy. Tôi yêu con sông từ đó và ký ức về sông cứ đầy lên theo năm tháng.
Nội tôi vốn ít chữ nhưng rất lạ là ông có thể đọc thuộc lòng một mạch truyện Lục Vân Tiên, Chinh Phụ ngâm và hiểu lịch sử rất rành rọt. Có lần đứng bên này sông, ông chỉ tay về hướng đông có doi cát trắng xóa bảo chỗ ấy trẻ con không được tắm. Hỏi vì sao thì ông ôn tồn giải thích: Đó là nơi có nhiều người yêu nước bị giặc xử chém. Sau này tìm đọc sách lịch sử tôi mới hiểu chí sĩ Trần Du và nhiều đồng chí của ông trong phong trào Cần Vương ở Quảng Ngãi, về sau là nhà yêu nước Nguyễn Thụy cùng 17 đồng chí trong tổ chức Việt Nam Quang Phục hội, sau nữa là người cộng sản kiên trung Nguyễn Nghiêm cũng bị xử chém ở nơi này.
Sông Trà Khúc mùa cạn. Ảnh: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC |
Và tuổi thơ của tôi luôn gắn bó với dòng sông Trà Khúc. Ấy là vào những buổi trưa trời nắng chang chang bọn tôi rủ nhau ra sông tắm. Cái cảm giác mát rượi của nước sông bắt đầu từ gáy lan dần xuống lưng rồi râm ran khắp cơ thể đến giờ như vẫn còn nguyên vẹn. Có những khi không tắm sông mà đi tìm bắt dế dọc bãi bồi. Bạn bè một thuở ngày ấy giờ trôi dạt nhiều phương trời, bao nhiêu đứa là bấy nhiêu số phận. Nhưng mỗi lần gặp nhau chúng tôi đều nhắc lại chuyện tắm sông như chút kỷ niệm ngọt ngào.
Lên cấp ba, bận chuyện học hành nhưng khi rãnh rỗi tôi thường một mình tha thẩn dọc sông Trà. Để được thư giãn, ngắm nhìn sông, tìm ổ chim dồng dộc treo cao trên ngọn tre già. Nhưng quan trọng hơn là để tìm xem nơi nào ngày trước nhà thơ Cao Bá Quát ngồi đối ẩm với trăng để có “Trà Giang thu nguyệt ca” (Bài ca trăng thu sông Trà) nổi tiếng mà người đời sau đánh giá là tuyệt tác. “Trăng sông Trà/ Đêm nay vì ai mà trăng sáng?/ Muôn dặm quan san trắng xóa một màu/ Khắp nơi vương vấn tình người xa nhau/ Cất chén thử mời trăng/ Trăng đi vào trong chén/ Đỡ chén lên môi trăng vụt biến/ Chỉ còn bóng người đang dọc ngang/ Đời người gặp gỡ nhau được mấy/ Có rượu hãy uống với trăng sông Trà/ Trăng sông Trà/ Như tấm gương soi dòng nước bạc/ Trượng phu chống kiếm đi thì đi/ Đừng như đàn bà trong lúc phân ly”. Bài thơ Chu Thần viết tặng bạn là Bảo Xuyên đi nhận nhiệm vụ Quân Thứ ở An Giang nhưng hình như chỉ là cái cớ để ông bộc lộ khí chất ngang tàng, tung hoành của một nhà nho chí lớn không thành, tài cao nhưng không có đất dụng võ.
Sông Trà Khúc nhìn từ trên cao. Ảnh: HỮU THƯ |
Lớn lên đi học xa rồi bôn ba kiếm sống, mỗi lần nhớ về sông Trà Khúc tôi lại nhớ nhịp điệu quay đều của bờ xe nước, dòng trôi xanh ngát, những hàng tre yên ả nghiêng soi bóng nước, nắng chiều rắc vàng lên những bãi bắp, luống khoai tiếp nối không gian xanh bát ngát đôi bờ. Theo địa dư chí Quảng Ngãi, sông Trà Khúc có chiều dài khoảng 135km, bắt nguồn từ một ngọn núi ở Kon Tum chảy về hướng đông, qua huyện Sơn Tây của Quảng Ngãi với tên gọi sông Xà Lò. Từ đây sông hợp lưu với các nhánh sông Rin, sông Re, sông Tang và nhiều suối, chỉ lưu khác với tên gọi Trà Khúc đổ về cửa biển Đại Cổ Lũy. Sách Đại Nam nhất thống chí Triều Nguyễn chú giải Trà Khúc là Trà giang cửu khúc, tức con sông uốn lượn qua chín khúc trước khi ra biển. Về vùng hạ lưu, sông chảy qua các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, TP.Quảng Ngãi, mở rộng lòng đưa phù sa về tạo nguồn sống cho cư dân đôi bờ.
Giống như các con sông ở miền Trung có độ dốc lớn, sông Trà Khúc quê tôi hung dữ trong mùa lũ nhưng êm đềm vào những mùa còn lại trong năm. Sông có nhiều loài thủy sản, đặc biệt là cá bống và don. Lòng sông đầy cát mịn, đáy sông nhiều phù du là môi trường lý tưởng để cá bống sông Trà Khúc vàng ươm, chắc thịt, thơm ngon. Vùng cuối sông là nơi con don sinh sống, sau khi chế biến trở thành món ngon bình dân rất nổi tiếng.
Mỗi con sông cũng như đời người đều có số phận, đời sống, câu chuyện riêng gắn với một vùng đất, một địa danh cụ thể. Sông Trà Khúc quê tôi cũng vậy, là chứng nhân của nhiều biến thiên, đổi thay trên vùng đất khắc nghiệt đầy nắng gió này. Dọc đôi bờ sông Trà Khúc có nhiều địa danh gắn với lịch sử, truyền ngôn, giai thoại. Đó là truyền thuyết về núi Long Đầu và cậu bé chăn trâu con của Rái Cá lớn lên được tôn là vua Nam Chiếu, Cao Biền thấy nguy cơ tìm cách triệt hạ; là giai thoại Đức Trấn Công Bùi Tá Hán và mảnh nhung y để lại núi Phước trước khi về trời. Biết ơn công lao trấn giữ bờ cõi phương Nam của ông, người dân đổi tên núi Phước thành núi Ông. Đó là câu chuyện dân gian còn truyền lại trên núi Thiên Ấn: “Có ông đào giếng trên non/ Đến khi có nước chẳng còn tăm hơi”; là câu ca về núi Thiên Mã và dòng họ Trương ở đất Tịnh Khê...
Cầu Trường Xuân. Ảnh: NGUYỄN MINH |
Thuở chưa có công trình thủy lợi Thạch Nham, sông Trà Khúc là tuyến đường thủy quan trọng của tỉnh nối hai vùng xuôi ngược “mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”. Mùa nồm, ghe ngược dòng chở mắm, muối, cá khô, gạo và rượu lên miền núi. Quế, sa nhân, mật ong, gỗ và nhiều loại lâm thổ sản quý về xuôi theo thuyền buôn xuất đi muôn nơi. Năm 1995, công trình thủy lợi Thạch Nham hoàn thành, sông Trà Khúc bị chặn dòng để đưa nước theo hệ thống kênh đào về tưới cho các huyện đồng bằng của tỉnh. Cũng từ đây những bờ xe nước trên sông Trà không còn sau khi đã hoàn thành “sứ mệnh” dẫn thủy nhập điền suốt hàng trăm năm. Hình ảnh bờ xe nước- linh hồn của sông Trà chỉ còn lại trong ký ức người Quảng Ngãi với nhiều tiếc nuối.
Theo thời gian, con sông có nhiều đổi khác. Cảnh vật đôi bờ cũng khác xưa nhiều bởi theo quy luật tự nhiên lòng sông bên lở bên bồi. Những ngôi làng bên sông ở mạn hạ lưu giờ đã mang dáng dấp của phố xá. Từ năm 2019, công trình đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc được khởi công xây dựng. Mục tiêu của dự án là dâng nước tạo cảnh quan, góp phần cải tạo môi trường cho TP.Quảng Ngãi và tạo quỹ đất để phát triển đô thị dọc theo sông. Năm 2025 đập dâng sẽ hoàn thành, chắc chắn nước sẽ dâng đầy một đoạn sông dài. Tôi vẫn tin và mong điều ấy sớm thành hiện thực để sông Trà Khúc lại trong xanh, nước đầy vốn đã ăn sâu vào ký ức bao thế hệ người Quảng Ngãi.
Có đi qua trăm sông, ngàn suối nhưng mỗi người chỉ có một con sông để nhớ và gắn bó. Với tôi, sông Trà Khúc là con sông tôi luôn nhớ về bởi nơi đó có một phần tuổi thơ tôi với biết bao kỷ niệm êm đềm.
THANH TÁNH
TIN, BÀI LIÊN QUAN: