Sứ mệnh của một cây cầu

22:55, 02/01/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Non 60 năm, cầu Trà Khúc 1 (TP.Quảng Ngãi) như một chứng nhân và đã làm tròn sứ mệnh đón đưa hàng triệu người qua sông ra - vào thành phố và những chuyến xe trên hành trình ra Bắc vào Nam...

Cây cầu đã góp phần làm nên dấu ấn của một vùng đất khi du khách đến thăm quê hương núi Ấn, sông Trà.

Có từ thập niên ba mươi   

Ông Lê Bãi (76 tuổi), nhà ở xóm Ghe, thôn Liên Hiệp 1, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi), nghe hỏi chuyện về cầu Trà Khúc, ông bật cười, nói, chú biết không, năm 1965, khi đưa vào sử dụng, cầu Trà Khúc 1 là cây cầu  hoành tráng nhất tỉnh. Đi qua cầu, ai cũng phấn khởi.

Cầu Trà Khúc 1.  

Theo Địa chí Quảng Ngãi, thời xa xưa, trên đường thiên lý Bắc - Nam, muốn qua sông Trà Khúc thì chỉ có cách lụy đò. Mãi đến thập niên ba mươi (thế kỷ XX), cầu Trà Khúc đầu tiên bằng bê tông, cốt thép được xây dựng để vượt sông Trà. Ấn tượng nhất trong giai đoạn này là ai đó được may mắn ngồi trên chiếc xe khách hiệu STACA, 40 chỗ ngồi, chạy tuyến Đà Nẵng - Nha Trang, mỗi ngày một chuyến qua cầu Trà Khúc.  

Đến thời 9 năm chống Pháp (1945-1954), Quảng Ngãi thuộc vùng tự do Liên khu 5. Thực hiện chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến”, phòng khi địch đánh vào vùng tự do nên tỉnh Quảng Ngãi đành phá dỡ cây cầu này. Vào mùa hạ, sông cạn, những cư dân xóm Ghe bơi thuyền đi đánh cá vượt qua cầu Trà Khúc 1 còn  thấy khá rõ những trụ móng của cây cầu năm xưa.

Sống lại những ngày tháng cũ, ông Lê Bãi kể, sau khi phá dỡ cầu, người và phương tiện qua sông Trà Khúc bằng ghe và phà. Tại phía dưới bờ bắc cầu Trà Khúc 1 bây giờ, hồi đó là bến phà Quán Cơm. Ở đó, ghe chèo thì chở người. Còn phà thì gồm 4 chiếc ghe lớn kết lại, phía trên đặt những tấm ván gỗ để chống sào đưa xe ô tô, xe khách qua sông. Khi lũ lớn, nước sông Trà dâng cao, thì tháo phà và chuyển ghe lên bờ.

Ngã ba Quán cơm nằm ở phía bắc cầu Trà Khúc nay thành Ngã tư.
Ngã ba Quán cơm nằm ở phía bắc cầu Trà Khúc nay thành Ngã tư.

Dừng chân ở khu vực bờ bắc cầu Trà Khúc 1, tôi nghe những cư dân nơi này cho hay, từ xa xưa gọi là khu vực Quán Cơm. Những người dân ở phía đông huyện Sơn Tịnh cũ lên đây phải vượt con dốc khá cao, nên đi xe đạp phải xuống dắt bộ. Quanh nơi này (nhất là khu vực cây đa sộp cổ thụ trước khách sạn Mỹ Trà) xưa là những quán cơm mái lợp tranh tre. Khách bộ hành hay đi ngựa vào tỉnh lỵ chờ thuyền qua sông, thường ghé vào ăn cơm và cho ngựa ăn cỏ, uống nước.

Họ dùng bữa với cơm trắng nấu bằng lúa trì trì vừa thơm, vừa dẻo, ăn với cá bống kho tiêu, cá rô mề dằm mắm gừng và canh cá tràu nấu chuối chát. Việc dùng ghe, phà vượt sông Trà Khúc kéo dài từ thời kháng chiến chống Pháp đến thời kỳ chống Mỹ, cho đến khi cầu Trà Khúc được xây dựng đưa vào sử dụng năm 1965.

Hoàn thành sứ mệnh cao cả

Theo Bách khoa toàn thư mở, thì cầu Trà Khúc có 20 nhịp, chiều dài 463m. Non 6 thập kỷ, cầu đã đón hàng triệu người và bao chuyến xe qua. Tôi vẫn nhớ những ngày thơ ấu được mẹ cho về  thăm ngoại ở thị xã tỉnh lỵ trên chiếc xe Lambro, Lambretta 3 bánh, người ngồi chật như nêm. Cũng có khi được đi trên xe Renault chở khách từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi. Khi xe đi qua cầu Trà Khúc, tôi cố dõi mắt nhìn dòng sông Trà êm trôi, đây đó là những bờ xe nước chậm rãi quay đều đưa nước lên đồng.

Cầu Trà Khúc trước ngày giải phóng là cây cầu đường bộ duy nhất bắc qua vùng hạ lưu sông Trà và nằm trên Quốc lộ 1 nên địch canh giữ rất kỹ. Ngoài lan can cầu, địch thả những vòng dây thép gai. Trong mùa khô, địch lập chốt dưới cầu. Khi mưa lũ về, thấy lục bình, gỗ mục trôi, địch thường dùng súng bắn, vì sợ đặc công ta ngụy trang bơi theo dòng nước, đánh sập cầu.

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Ngọc Trinh khi còn sống từng kể, những năm 1960, khi anh rời quê biển Đức Lợi (Mộ Đức) ra TX.Quảng Ngãi học, được ông chủ hiệu ảnh Lệ Ảnh thương và cho học nghề. Khi cây cầu Trà Khúc đưa vào sử dụng, có một người ở Sài Gòn ra Quảng Ngãi, mê bờ xe nước nên can thiệp với lính địch giữ cầu và thuê anh để chụp ảnh. Anh nhớ, họ chỉ cho anh dừng xe đạp trên cầu để chụp ảnh bờ xe nước Trà Điếu. Lúc đó, khoảng 10 giờ sáng, ánh sáng không thuận nên anh chỉ còn cách chụp liên tục cảnh bờ xe nước với nhiều khuôn hình khác nhau. May mắn khi về sang rửa ảnh có bức ảnh bờ xe nước khá đẹp. Đến khi giao ảnh, người thuê anh hỏi tiền công thì anh lắc đầu cười rồi bảo chỉ tặng thôi. Bởi anh mê chụp bờ xe nước và bức ảnh đó còn mãi đến bây giờ.

 Phối cảnh cầu Trà Khúc 1 được thiết kế xây mới.
Phối cảnh cầu Trà Khúc 1 được thiết kế xây mới.

Đại tá Huỳnh Minh Giữ, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh vẫn nhớ nhiều về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968. Khi đó ông giữ chức Trung đội phó thuộc Tiểu đoàn 48 của Tỉnh đội Quảng Ngãi đóng quân dưới xã Tịnh Khê, được điều động về đánh Trung tâm huấn luyện lính địa phương quân trên núi Long Đầu và chiếm bờ bắc cầu Trà Khúc. Trận chiến thật cam go, nhưng rồi mục tiêu cũng hoàn thành và ông được kết nạp Đảng tại mặt trận. Kể chuyện xưa, ông cho hay đang cùng với cựu chiến binh Tiểu đoàn 48 xúc tiến việc xin phép xây dựng bia ghi công những liệt sĩ hy sinh trong mùa xuân năm đó trên núi Long Đầu.

Cầu Trà Khúc 1, cứ thế đi qua mưa nắng, đi qua chiến tranh. Chẳng ai quên, trong sáng ngày 24/3/1975, người dân ở phía bắc đầu cầu (thuộc thị trấn Sơn Tịnh cũ) và cư dân TX.Quảng Ngãi (nay là TP.Quảng Ngãi) túa ra hai bên đầu cầu đón những đoàn quân và chiếc xe tăng quân giải phóng từ miền Tây Quảng Ngãi về giải phóng thị xã thân yêu. Quảng Ngãi đã hoàn toàn giải phóng, nhưng chiến trường vẫy gọi, những đoàn xe chở bộ đội, chở pháo, xe tăng băng qua cầu Trà Khúc trực chỉ về miền Nam đánh chiếm các tỉnh thành, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ký ức khó phai

Đất nước thống nhất, “trời của ta, đất của ta” nên cầu Trà Khúc 1 chẳng còn phải giới hạn giờ qua lại. Người và xe cứ thế băng qua cầu. Những câu chuyện bình thường đã trở thành ký ức thân thương.

Cư dân hai bên đầu cầu đến giờ vẫn nhắc, có những sớm mai xe hon đa 67, 68 chở cá, mực từ dưới vùng biển Bình Châu (Bình Sơn), Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh cũ) lên băng qua cầu Trà Khúc, cô bán cá ngồi sau xe cao hơn cả đầu người lái xe. Rồi từ đồng bãi ven sông Trà Khúc mùa nào thức ấy, những người mẹ, người chị lại vượt cầu qua chợ thị xã bán. Thời hậu chiến, thiếu điện nên những đêm hè oi bức, dân thị xã lại ra cầu hóng mát, dạo chơi.

Ông Lê Nguyên (68 tuổi) ở xóm Ghe bộc bạch, tôi chẳng nhớ mình đã cào được bao nhiêu tấn sạn, nhưng biết rõ, nhờ có cây cầu này  mà việc vận chuyển sạn qua sông đáp ứng cho việc xây dựng các công trình thêm thuận lợi và nhờ đó mới có bát cơm ăn.

 Cầu Trà Khúc 1 nhìn từ trên cao. ẢNH: BÙI THANH TRUNG
Cầu Trà Khúc 1 nhìn từ trên cao. ẢNH: BÙI THANH TRUNG

Thành phố đi qua những ngày đông, rồi Tết đến, Xuân về, dòng nước sông Trà trong xanh trở lại. Dưới mưa xuân lấm tấm, những người mẹ, người chị, những nam thanh nữ tú đi qua cầu Trà Khúc 1 lên núi Thiên Ấn vãng cảnh chùa, thắp  hương ở mộ Cụ Huỳnh Thúc Kháng, nguyện cầu cho năm mới được bình yên.

Thành phố ngày một phát triển, cây cầu Trà Khúc 1 càng cũ hơn. Nhiều khi chiếc cầu rung lên khi những chuyến xe container chạy qua. Tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều lần tu sửa cầu... Để đáp ứng cho việc phát triển và để “chia lửa” cho cầu Trà Khúc 1, Quảng Ngãi được đầu tư xây dựng đường tránh đông và xây dựng cầu Trà Khúc 2. Từ đó cầu Trà Khúc 1 trở thành cây cầu ở nội thành.

Cho đến bây giờ, vùng hạ lưu sông Trà có nhiều chiếc cầu bắc qua sông, cầu Trà Khúc 1 trở thành cũ kỹ và xưa thật xưa. Nhưng một điều ai cũng thấy là, với địa thế thuận lợi nên lưu lượng người qua lại trên cầu Trà Khúc 1 vẫn rất đông, nhất là giờ cao điểm.

Cầu Trà Khúc 1 mai này sẽ được xây mới, chiếc cầu cũ sẽ đi vào ký ức, nhường chỗ cho chiếc cầu mới là điều đương nhiên. Nhưng chắc rằng chẳng ai quên, vì cây cầu đã làm tròn sứ mệnh của mình.

Bài, ảnh: CẨM THƯ

TIN, BÀI LIÊN QUANl


 

Xuất bản lúc: 22:55, 02/01/2024

Ý kiến bạn đọc


.