Từ đầu năm 2019 đến nay, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã tiếp nhận, xử lý hàng chục vụ công dân kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và tin báo tố giác liên quan đến chơi hụi. Trong đó, Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp thụ lý, giải quyết 25 vụ. Tòa án Nhân dân hai cấp thụ lý 29 vụ việc dân sự; đưa ra xét xử 10 vụ, công nhận thỏa thuận của các đương sự 14 vụ, đình chỉ 5 vụ. Lực lượng Công an tiếp nhận 2 nguồn tin tội phạm liên quan đến chơi hụi. Điển hình là tố giác của 21 công dân trú tại xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh), tố cáo bà Đ.T.T T (32 tuổi), trú tại thôn Tân Phước, xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh), thông qua hoạt động tổ chức chơi hụi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các công dân nói trên, với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng. Qua xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đ.T.T.T để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Bên cạnh đó, để ngăn chặn việc lợi dụng chơi hụi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lực lượng công an đã chủ động phối hợp các ngành chức năng tăng cường nắm tình hình, triển khai, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi lợi dụng chơi hụi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, công tác đấu tranh, xử lý hành vi lợi dụng hoạt động chơi hụi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đó là việc chơi hụi của người dân là giao dịch dân sự được pháp luật cho phép, đặt dưới sự giám sát, theo dõi của chính quyền địa phương, nhưng chính quyền địa phương ít nắm được thông tin. Cho đến khi phát sinh các vấn đề có liên quan, người dân trình báo cơ quan công an mới phát hiện.
Thiếu tá Phan Thanh Vĩ - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (Công an TP.Quảng Ngãi) cho biết, để đề phòng thì người dân cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật liên quan đến chơi hụi; nắm rõ về điều kiện của chủ hụi; thành viên, quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của chủ hụi, thành viên góp hụi quy định tại Nghị định 19/2019 của Chính phủ. Người dân nên tìm hiểu kỹ về nhân thân của chủ hụi để có thể đặt niềm tin khi góp hụi. Nhất là cần tìm hiểu kỹ về hoạt động của dây hụi định tham gia để đánh giá mức độ rủi ro và để phục vụ giải quyết tranh chấp về sau nếu có. Nếu chủ hụi điều hành từ 2 dây hụi trở lên hoặc số tiền góp hụi từ 100 triệu đồng trở lên thì phải báo cho UBND cấp xã biết để rà soát, quản lý, theo dõi, phòng ngừa xử lý các vi phạm. Khi phát hiện các thông tin như nhiều dây hụi của chủ hụi bị vỡ hoặc nhiều thành viên bỏ hụi cần báo cho chính quyền địa phương để nắm, giải quyết kịp thời.
SÔNG THƯƠNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: