Luật Đất đai năm 2024: Khơi thông nguồn lực đất đai

23:05, 19/12/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Luật Đất đai năm 2024 với những điểm mới mang tính đột phá, giải quyết những chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật đất đai cũ, qua đó tạo động lực mạnh mẽ cho việc khơi thông nguồn lực đất đai, đáp ứng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp (DN).

Sử dụng đất linh hoạt, đa mục tiêu

Theo đánh giá của Sở TN&MT, một trong những đột phá của Luật Đất đai năm 2024 là việc sử dụng đất nông nghiệp linh hoạt, đa mục tiêu nhằm tối ưu hóa các giá trị kinh tế từ quỹ đất. Theo đó, ngoài cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất lúa, luật này tăng thời hạn cho thuê đất 5% (đất công ích do UBND cấp xã quản lý - PV) từ 5 năm lên 10 năm. Đồng thời, mở biên độ nhận chuyển nhượng đất của hộ gia đình, cá nhân từ 10 lần lên không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp. Quy định này không chỉ mở rộng cơ hội cho các đối tượng sử dụng đất, mà còn phản ánh sự chuyển dịch tư duy quản lý đất đai theo hướng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế.

Luật Đất đai năm 2024 thúc đẩy việc tích tụ đất nông nghiệp để hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. 
Trong ảnh: Trình diễn các thiết bị, máy móc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.
Luật Đất đai năm 2024 thúc đẩy việc tích tụ đất nông nghiệp để hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Trong ảnh: Trình diễn các thiết bị, máy móc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.

Ông Vũ Xuân Sơn, ở thôn 7, xã Đức Nhuận (Mộ Đức) bày tỏ, những quy định của Luật Đất đai mới sẽ giúp các hộ dân có đất nông nghiệp, nhưng không có lao động, hoặc ít vốn có thể chuyển nhượng đất, kể cả đất lúa cho người khác biết cách làm ăn hiệu quả hơn. Qua đó, góp phần sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, tránh tình trạng “người cần không có, người có bỏ hoang”.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2024 cũng quy định thu hồi đất và bồi thường theo bảng giá đất mới (dự kiến sẽ cao hơn), cộng thêm nhiều quyền lợi khác (kể cả được bồi thường bằng đất ở, nhà ở), cũng gia tăng giá trị đất nông nghiệp. Đặc biệt, ngoài mục đính chính là trồng trọt, đất nông nghiệp sẽ được sử dụng linh hoạt theo hướng đa mục tiêu, như: Xây dựng nhà kính và các loại nhà khác để trồng trọt, chăn nuôi; xây dựng công trình bảo quản nông sản, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ và các công trình phụ trợ khác; xây nhà nghỉ, lán, trại phục vụ cho người lao động; kết hợp sản xuất với kinh doanh du lịch, thương mại qua việc xây dựng các công trình nghỉ dưỡng, kinh doanh ăn uống, khu vui chơi...

Ông Nguyễn Văn Lộc, chủ trang trại gà thịt, gà đẻ trứng Trúc Lộc, ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức) cho biết, chính sách trên tạo thuận lợi cho DN, chủ trang trại tích tụ, tập trung đất để hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Ngoài ra, một số điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 cũng giúp DN, nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư triển khai dự án xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu nuôi, trồng, sản xuất, chế biến nông - lâm - thủy sản tập trung để trực tiếp sản xuất hoặc cho thuê lại, nhằm gia tăng hiệu quả, giảm rủi ro.

Tăng cường quản lý, giám sát

Đất là tư liệu sản xuất không thể thay thế và là một trong ba yếu tố đầu vào (đất đai, lao động và vốn) của sản xuất nông nghiệp. Do đó, quản lý, sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, bền vững là mục tiêu hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống nông dân. Tuy nhiên, tình trạng đất đai manh mún, nhỏ lẻ nên khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chi phí sản xuất cao, hiệu quả kinh tế thấp, dẫn đến tình trạng bỏ hoang đất. Do đó, để nâng cao giá trị đất nông nghiệp, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã định hướng phát triển nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.

Luật Đất đai năm 2024 quy định việc sử dụng đất nông nghiệp linh hoạt, đa mục tiêu nhằm hạn chế tình trạng bỏ hoang đất sản xuất. 
Trong ảnh: Vùng nuôi tôm ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) hoang hóa nhiều năm.
Luật Đất đai năm 2024 quy định việc sử dụng đất nông nghiệp linh hoạt, đa mục tiêu nhằm hạn chế tình trạng bỏ hoang đất sản xuất. Trong ảnh: Vùng nuôi tôm ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) hoang hóa nhiều năm.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, toàn tỉnh hiện có trên 430 nghìn héc ta đất nông nghiệp, trong đó diện tích đất trồng lúa bình quân 36,5 nghìn héc ta/vụ, nên những quy định thoáng, mở của Luật Đất đai năm 2024 sẽ giúp các DN, nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp gặp thuận lợi trong triển khai thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp hiện đại, hay liên kết hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn. Với những chủ thể khởi nghiệp cũng sẽ có thêm nhiều cơ hội, nhất là xây dựng các khu sản xuất kết hợp với kinh doanh du lịch, dịch vụ... Qua đó, tạo cơ hội thuận lợi để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi một cách căn bản từ nền sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Luật Đất đai năm 2024 cũng mở rộng mốc thời gian sử dụng đất không có giấy tờ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở thêm 10 năm (từ ngày 1/7/2004 thành ngày 1/7/2014). Đồng thời, mở rộng đối tượng hộ gia đình, cá nhân được giao đất không đúng thẩm quyền từ sau ngày 1/7/2014 đến trước ngày 1/1/2025 sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu đáp ứng đủ các điều kiện. Mặt khác, để bảo đảm quyền lợi hơn cho người dân có đất bị thu hồi, luật quy định đa dạng các hình thức bồi thường cho người dân khi bị thu hồi đất.

Bên cạnh việc nâng cao giá trị tài nguyên đất, thì Luật Đất đai năm 2024 cũng có những quy định rõ ràng, cụ thể nhằm kiểm soát chặt chẽ quá trình sử dụng đất nông nghiệp. Theo đó, Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi quyền sử dụng đất đối với đất trồng cây hằng năm nếu bỏ hoang quá 12 tháng và sau khi đã xử phạt vi phạm hành chính, nhưng vẫn không đưa đất vào sản xuất, tương tự với đất trồng cây lâu năm là 18 tháng và đất lâm nghiệp là 24 tháng. Phó Chủ tịch UBND TX.Đức Phổ Trần Ngọc Sang cho biết, tại nhiều địa phương trên địa bàn thị xã, tình trạng người dân ly hương, bỏ hoang đất nông nghiệp khá phổ biến. Vì vậy, thị xã chỉ đạo ngành chuyên môn, chính quyền các địa phương tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Đất đai năm 2024, để người dân nắm bắt và có kế hoạch sử dụng phù hợp, đúng quy định, tránh tình trạng nông dân bất ngờ khi bị xử phạt hay bị thu hồi đất.

Tuy nhiên, dù có hạn mức sử dụng đất, nhưng việc cá nhân không trực tiếp sản xuất vẫn có thể nhận chuyển nhượng đất sẽ tiềm ẩn nguy cơ tích lũy đất đai không phục vụ mục đích nông nghiệp. Vì vậy, việc chuyển nhượng đất trồng lúa cho các cá nhân ngoài nông nghiệp cần được ngành chuyên môn, chính quyền địa phương quản lý và giám sát chặt chẽ. Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Ngô Văn Thanh cho rằng, theo Luật Đất đai năm 2024, khi Nhà nước thu hồi đất và bồi thường theo bảng giá đất mới (dự kiến tăng cao), cộng thêm nhiều quyền lợi khác (kể cả được bồi thường bằng đất ở, nhà ở), nên dễ tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng thu gom đất nông nghiệp để đầu cơ, thu lợi. Do đó, để chính sách của Luật Đất đai năm 2024 nói chung, một số chính sách liên quan đến đất nông nghiệp nói riêng phát huy hiệu quả, cần có các biện pháp quản lý đồng bộ, kết hợp với giám sát chặt chẽ và sự tham gia của cả Nhà nước, DN và người dân. Cùng với đó là, huy động nguồn lực tổng hợp giúp tăng cường hiệu quả sử dụng đất trồng lúa và giảm thiểu rủi ro trong quản lý, sử dụng đất.

Bài, ảnh: MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 23:05, 19/12/2024

Ý kiến bạn đọc


.