An toàn giao thông cho trẻ em

08:42, 17/09/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 27/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024. Luật sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2025, trong đó có những quy định cụ thể về an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông.

Nguy cơ mất an toàn

Với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, nhiều gia đình đã có cơ hội sở hữu xe ô tô cá nhân phục vụ cho việc đi lại hằng ngày. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ em trên loại phương tiện này vẫn chưa được nhiều người quan tâm. Tình trạng trẻ em ngồi trên hàng ghế đầu, hoặc ngồi trong lòng bố mẹ, hay đứng trong xe ô tô nhìn ra cửa kính, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Chị Trần Thị Minh Thy, ở phường Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi) phản ánh, có nhiều trường hợp nguy hiểm như bố mẹ cho con ngồi trong lòng khi  đang lái xe, hoặc nhiều trẻ đứng ở hàng ghế sau không được thắt dây an toàn, mỗi khi phanh xe rất dễ ngã về phía trước. Nhiều trường hợp, trẻ bị kẹp tay trong quá trình đóng, mở cửa xe ô tô hoặc cửa kính trên xe... gây ra những chấn thương không đáng có.

Lực lượng cảnh sát giao thông tặng mũ bảo hiểm cho học sinh xã Hành Thuận (Nghĩa Hành). 
Ảnh: PV
Lực lượng cảnh sát giao thông tặng mũ bảo hiểm cho học sinh xã Hành Thuận (Nghĩa Hành). Ảnh: PV

Không chỉ trên xe ô tô, hàng loạt tai nạn thương tâm xảy ra với trẻ em thời gian qua khi được người lớn chở đi trên xe máy, xe điện... đều có yếu tố chủ quan của người điều khiển phương tiện. Nhiều trường hợp phụ huynh để trẻ em ngồi phía trước, hoặc đứng trên phần để chân của xe tay ga mà không tắt máy, rồi trẻ vô tình vặn ga phóng xe gây ra tai nạn. Hoặc các trường hợp phụ huynh giao xe máy cho con khi chưa đủ tuổi lái xe theo quy định.

Theo thông cáo của Liên hợp quốc, mỗi ngày trên thế giới có ít nhất 500 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông. Trong số đó, có tới 1/3 trẻ em tử vong trong xe ô tô và 2/3 trẻ tử vong trên các phương tiện khác. Điều này cho thấy, dù đi bằng phương tiện xe máy hay ô tô đều có rất nhiều nguy hiểm rình rập.

Những thay đổi

Một trong những điểm nhấn của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (gọi tắt là Luật) là các quy định liên quan đến trẻ em khi tham gia giao thông. Luật quy định, khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m trên xe ô tô mà không có người lớn ngồi cùng, người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em phù hợp. Khi chở trẻ em dưới 6 tuổi bằng xe gắn máy, xe mô tô phải có dây đai an toàn hoặc ghế dành riêng cho trẻ em hoặc có người lớn ngồi cùng trẻ em phía sau. Riêng quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026, thay vì ngày 1/1/2025 như các quy định còn lại trong Luật.

Luật cũng dành một điều với 6 khoản quy định cụ thể về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đối với xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh. Điều này bao gồm việc yêu cầu các xe ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non hoặc xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non, phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh và cảnh báo chống bỏ quên trẻ em trên xe. Ngoài ra, quy định về độ tuổi và sức khỏe của người điều khiển phương tiện cũng được nêu rõ trong Luật; trong đó, người đủ 16 tuổi trở lên mới được phép điều khiển xe gắn máy. Quy định này nhằm bảo vệ an toàn tốt nhất cho trẻ em, bởi ở độ tuổi này, các em mới đủ kỹ năng và nhận thức pháp luật để sử dụng xe gắn máy một cách an toàn.

Luật cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho trẻ em. Theo đó, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, cùng các cơ quan liên quan có trách nhiệm lồng ghép kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông vào chương trình giảng dạy ở các cấp học, từ mầm non đến phổ thông và nghề nghiệp. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng có nhiệm vụ hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn cho học sinh tại các cơ sở giáo dục, nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để giữ an toàn cho trẻ.

V.YẾN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 08:42, 17/09/2024

Ý kiến bạn đọc


.