Sáng tạo trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật

22:56, 19/12/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù công tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng họ luôn nỗ lực, tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Đây là những gương điển hình được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, thi hành, bảo vệ, chấp hành Hiến pháp, pháp luật và tuyên truyền, PBGDPL, giai đoạn 2022 - 2024.

Đưa pháp luật đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân

Từ tháng 9/2024, Thiếu tá Tiêu Tấn Hiệp được điều động từ Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh về nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ. Là chính trị viên, phụ trách mảng tuyên truyền, PBGDPL, Thiếu tá Hiệp chủ động học hỏi kinh nghiệm, phương pháp làm việc ở môi trường mới.

Thiếu tá Tiêu Tấn Hiệp - Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ, có nhiều sáng kiến đưa pháp luật đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Thiếu tá Tiêu Tấn Hiệp - Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ, có nhiều sáng kiến đưa pháp luật đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Theo Thiếu tá Hiệp, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ là đơn vị chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới biển của TP.Quảng Ngãi. Để phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng biên phòng trong tham gia tuyên truyền, PBGDPL, tôi cùng cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, để người dân có thể tiếp cận được các văn bản pháp luật, chung tay giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng biên giới.

Thời gian qua, Thiếu tá Hiệp tham mưu cho Hội đồng PBGDPL BĐBP tỉnh và trực tiếp triển khai thực hiện mô hình “Tiếng loa biên phòng” tại các xã, phường khu vực biên giới biển của tỉnh. Thông qua mô hình, Thiếu tá Hiệp cùng cán bộ, chiến sĩ dùng loa di động kết hợp trực tiếp tuyên truyền, giải thích, vận động người dân ký cam kết không vi phạm IUU; đồng thời tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Đặc biệt, hưởng ứng thông điệp chung tay nỗ lực gỡ “thẻ vàng” thủy sản, năm 2024, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ đã có 35 buổi tuyên truyền tập trung cho ngư dân tại các cảng, bến cá, với 7.800 lượt người tham dự. Bên cạnh đó, để trang bị cho cán bộ, chiến sĩ những kiến thức cơ bản phục vụ công tác và tuyên truyền, PBGDPL cho nhân dân trên địa bàn, Thiếu tá Hiệp tham mưu triển khai mô hình “Mỗi ngày học 1 lời dạy của Bác Hồ gắn với mỗi ngày một câu hỏi, đáp án pháp luật”. Hằng ngày, vào giờ đọc báo của đơn vị, Thiếu tá Hiệp triển khai câu hỏi, đáp án một điều luật trên giấy A4; đồng thời đăng tải nội dung này vào nhóm Zalo để cán bộ, chiến sĩ học tập, thực hiện. Thiếu tá Hiệp bày tỏ, mô hình đã tạo sự chuyển biến ngày càng vững chắc về ý thức tự giác chấp hành pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị, hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm kỷ luật, pháp luật, tạo tiền đề trong công tác xây dựng đơn vị chính quy, vững mạnh toàn diện, “mẫu mực tiêu biểu”.

Xây dựng mô hình ý nghĩa

Là công chức tư pháp - hộ tịch của UBND xã Hành Đức (Nghĩa Hành) từ năm 2021 đến nay, chị Đặng Ngọc Vỹ không ngừng học hỏi, trau dồi nâng cao kiến thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.

Chị Đặng Ngọc Vỹ, công chức tư pháp - hộ tịch,  UBND xã Hành Đức  (Nghĩa Hành), hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến.
Chị Đặng Ngọc Vỹ, công chức tư pháp - hộ tịch, UBND xã Hành Đức (Nghĩa Hành), hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến.

Chị Vỹ chủ động tạo điều kiện giải quyết thủ tục hành chính cho công dân trên cơ sở các quy định pháp luật; giải quyết trước hạn và đúng hạn, tạo sự hài lòng cho công dân; thực hiện tốt các nhiệm vụ hộ tịch thuộc dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06; làm tốt công tác chuyển đổi số, tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, liên thông, thanh toán trực tuyến... Nhờ những kết quả trong giải quyết các thủ tục hành chính đã góp phần đưa xã Hành Đức dẫn đầu về cải cách hành chính của huyện Nghĩa Hành.

“Quá trình công tác tại cơ sở, tôi nhận thấy hệ thống pháp luật đã cơ bản đầy đủ nhưng việc tiếp cận của người dân chưa được sát do nhiều yếu tố. Đó là lý do thôi thúc tôi xây dựng sáng kiến kinh nghiệm để tuyên truyền, PBGDPL để người dân địa phương được trang bị kiến thức pháp luật cơ bản nhất”, chị Vỹ bày tỏ.

Đặc biệt, chị Vỹ đã tham mưu cho lãnh đạo UBND xã hướng dẫn cách thức triển khai, thành lập mô hình “Tổ hòa giải ở cơ sở 5 tốt thôn Xuân Vinh”. Đến nay, mô hình hoạt động theo quy chế, có hiệu quả và đi vào nền nếp, các thành viên trong tổ tích cực, nhiệt tình tham gia hòa giải, tỷ lệ hòa giải thành hơn 85%, hạn chế các vụ việc tranh chấp phát sinh. Sắp tới, xã Hành Đức sẽ nhân rộng mô hình tại các thôn trên địa bàn.

Bài, ảnh: TRUNG ÂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 22:56, 19/12/2024

Ý kiến bạn đọc


.