Hội nghị triển khai các văn bản luật

16:01, 14/08/2024
.
(Baoquangngai.vn)- Sáng 14/8, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Lưu trữ. Tham dự hội nghị có Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Tôn Long Hiếu; đại diện các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy; các Ban của HĐND tỉnh; báo cáo viên pháp luật của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh…
 
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Tôn Long Hiếu đề nghị, các báo cáo viên pháp luật cần trình bày, triển khai các nội dung một cách rõ ràng, cụ thể, cần có sự liên hệ thực tiễn để người nghe dễ hiểu, dễ nắm bắt. Các đại biểu cần tập trung lắng nghe, tiếp thu đầy đủ các nội dung do báo cáo viên trình bày, tham gia trao đổi, thảo luận đối với những vấn đề chưa rõ, chưa hiểu. Đồng thời yêu cầu báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, huyện cần nghiên cứu, nắm vững nội dung cơ bản các văn bản luật để phục vụ hiệu quả cho nhiệm vụ báo cáo viên của mình trong thời gian tới.
 
Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Tôn Long Hiếu phát biểu tại hội nghị.
Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Tôn Long Hiếu phát biểu tại hội nghị.

Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024) đã quy định cụ thể về: Xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh nhằm tạo cơ sở pháp lý cho địa phương thực hiện quản lý Nhà nước về nhà ở; quá trình lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị phải bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt...

Đại biểu dự hội nghị.

Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 (có hiệu lực từ ngày 1/8/2024) đã quy định các trường hợp luật không điều chỉnh như việc bán nhà, công trình xây dựng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức do giải thể, phá sản, chia tách… Quy định hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của tổ chức tín dụng, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng bán nhà ở, công trình xây dựng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án bất động sản đang được dùng bảo lãnh, thế chấp để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng và pháp luật có liên quan về xử lý tài sản bảo đảm thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.


Luật Các tổ chức tín dụng (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, một số điều có hiệu lực từ ngày 1/8/2024) được ban hành nhằm hoàn thiện những nội dung: Quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng; quy định về hoạt động và bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng và quỹ tín dụng nhân dân; quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và xây dựng khung pháp lý cho việc thử nghiệm ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng, tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Lưu trữ năm 2011, Luật Lưu trữ năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, một số trường hợp cụ thể được luật quy định có hiệu lực muộn hơn) được xây dựng tập trung làm rõ 4 chính sách lớn gồm: Thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ thuộc Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam; quản lý tài liệu lưu trữ điện tử đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử; quản lý tài liệu lưu trữ tư; quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ. Luật Lưu trữ năm 2024 được thiết kế theo hướng quy định việc lưu trữ tài liệu giấy song song với lưu trữ tài liệu số, việc chuyển đổi số từ lưu trữ tài liệu giấy sang lưu trữ tài liệu số được thực hiện theo lộ trình định hướng chuyển đổi số, lưu trữ số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số nhằm bảo đảm phù hợp với thực tế công tác lưu trữ, nhất là đáp ứng về nguồn lực, hạ tầng công nghệ, khả năng đồng bộ, kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin tài liệu lưu trữ và bảo đảm tính khả thi.

Tin, ảnh: T.ÂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 
Xuất bản lúc: 16:01, 14/08/2024

Ý kiến bạn đọc


.